Ngành Giáo dục nỗ lực xóa bỏ định kiến giới

Minh Phong (Thực hiện) | 08/03/2022, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với khoảng 80% cán bộ nhà giáo, người lao động trong ngành GD là nữ; trong đó, tỷ lệ nữ CB quản lý đạt trên 63%, thời gian qua, công tác bình đẳng giới tiếp tục được triển khai nghiêm túc, bài bản và thiết thực.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh thăm và động viên học sinh tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thế ĐạiThứ trưởng Ngô Thị Minh thăm và động viên học sinh tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thế Đại

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại về những đóng góp của chị em, công tác bình đẳng giới,… trong ngành và với xã hội.

Bình đẳng giới được triển khai nghiêm túc

- Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, công tác bình đẳng giới của ngành Giáo dục đã đạt được kết quả như thế nào?

- Bộ GD&ĐT đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 với 6 nhóm mục tiêu cụ thể; đồng thời rà soát kỹ các yếu tố về giới, không để có nội dung bất bình đẳng về giới trong các văn bản được ban hành theo thẩm quyền của Bộ hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; kể cả Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 cũng được rà soát, xóa bỏ những nội dung, hình ảnh liên quan đến định kiến giới.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn có các văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc trực tiếp ban hành, quy định về quyền được học tập, nâng cao trình độ; quyền tham gia học tập và đạt chuẩn, trên chuẩn trình độ đào tạo, ở các vùng miền khác nhau, ở tất cả cấp học, trình độ đào tạo, loại hình, phương thức đào tạo đều không có sự phân biệt nam, nữ và được quy định ổn định, thống nhất ở các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GD-ĐT.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục còn được thể hiện rõ ở khía cạnh học sinh nam và nữ được hưởng như nhau về học bổng, học phí và các điều kiện hỗ trợ học tập khác. Quyền được học tập của nam và nữ được quy định ổn định và thống nhất ở tất cả văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục. Hiện hầu hết đơn vị trường học trong toàn ngành đều triển khai kế hoạch bình đẳng giới của ngành.

Trong khuôn khổ của Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái do UNESCO, Bộ GD&ĐT thực hiện và trên cơ sở kết quả rà soát các sách giáo khoa hiện hành, dưới góc độ giới (do UNESCO cũng như các đơn vị khác thực hiện), Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn “Lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, đồng thời đưa các nội dung về quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Cũng trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như: UNESCO, UNICEF, UNFA… tổ chức các hội thảo, hội nghị có nội dung liên quan tới bình đẳng giới trong giáo dục. Bộ cũng thường xuyên thực hiện rà soát các quy định của Luật Bình đẳng giới với những quy định của Hiến pháp năm 2013, các bộ luật/luật hiện hành và điều ước quốc tế có liên quan về GD-ĐT để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới và cơ chế hỗ trợ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đối với phụ nữ là người dân tộc thiểu số.

Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện tăng tỷ lệ nhập học mầm non, tiểu học của trẻ em gái; giảm tỷ lệ mù chữ của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua công tác chỉ đạo của ngành.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh

Nữ cán bộ quản lý trong ngành Giáo dục chiếm tỷ lệ lớn

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những nỗ lực, cống hiến, đóng góp của nữ nhà giáo trong sự nghiệp GD-ĐT?

- Hiện nay, ngành Giáo dục có khoảng 80% nữ cán bộ nhà giáo, người lao động. Tỷ lệ nữ cán bộ quản lý toàn ngành đạt trên 63%. Chất lượng hiệu quả của GD-ĐT phần lớn là nhờ sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục; trong đó số đông cán bộ quản lý chịu trách nhiệm chính về việc triển khai các nhiệm vụ của đơn vị mình. Đặc biệt, ở khối phổ thông, hầu hết trường đạt Chuẩn quốc gia đều do nữ làm hiệu trưởng.

Vai trò, vị trí của nữ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng được coi trọng, đề cao; trình độ chuyên môn, trình độ quản lý, lý luận chính trị của nữ nhà giáo và cán bộ quản lý được nâng cao, đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, tạo động lực cho nữ cán bộ nhà giáo, người lao động tích cực tham gia các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, góp phần thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, một trong những điểm nhấn là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong 30 năm qua, phong trào này đã tạo động lực tích cực đối với nữ cán bộ nhà giáo, người lao động; giúp chị em hăng hái thi đua lao động giỏi, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời thực hiện thiên chức của người phụ nữ: Là người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Có thể nói, đây là phong trào thi đua phù hợp đặc thù giới, tạo điều kiện và động lực thi đua cho phụ nữ trong việc phát huy phẩm chất và năng lực của mình, là môi trường tốt để nữ cán bộ nhà giáo, người lao động không ngừng phấn đấu vươn lên.

Nữ giới đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực GD-ĐT Việt Nam.

Nam, nữ được bình đẳng trong GD-ĐT

- Theo Thứ trưởng, đâu là bài học kinh nghiệm để thực hiện xóa bỏ định kiến về giới trong ngành Giáo dục?

- Tôi cho rằng, việc đầu tiên là cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Bình đẳng giới, các văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định có liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN). Cần lựa chọn các phương thức truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; lồng ghép có hiệu quả nội dung bình đẳng giới. Mặt khác, chú trọng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, chính sách hỗ trợ nữ cán bộ nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên. Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động trong ngành, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị; đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà trường và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong triển khai kế hoạch, hành động và công tác VSTBPN. Chú trọng công tác chỉ đạo, triển khai một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành. Đặc biệt, cần kiên trì các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hành động trong tham mưu, đề xuất xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án, tạo điều kiện thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ đối với cán bộ nữ.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp tích cực với các ban, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hành động đã đề ra. Chủ động rà soát, đề xuất, xóa bỏ định kiến giới trong các văn bản, tài liệu, chương trình giáo dục bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.

Kịp thời kiện toàn tổ chức, nhân sự tham gia công tác VSTBPN, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ này. Đồng thời đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đối với cán bộ làm công tác bình đẳng giới, trong đó tập trung vào nội dung liên quan đến kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch và nghiệp vụ công tác bình đẳng giới đối với Ban VSTBPN tại các cơ sở GD-ĐT. Đặc biệt, cần có sự quan tâm, đầu tư các nguồn lực. Bên cạnh việc bố trí cán bộ có trách nhiệm, tâm huyết với công việc cần bảo đảm bố trí đủ kinh phí để triển khai có hiệu quả công tác này.

- Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục đặt ra mục tiêu và phương hướng gì?

- Chúng tôi xác định các mục tiêu như: Tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng trong lĩnh vực GD-ĐT, được phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước. Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi.

Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025. Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 40% trở lên vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Xây dựng kế hoạch hành động từ nay đến năm 2025; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu, nội dung hoạt động chuyên đề về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép giới; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới; Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo động lực cho phụ nữ phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; tăng cường nguồn lực, giải pháp để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và VSTBPN.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nhiều nữ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn đã cố gắng vượt khó, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm sóc giáo dục con một cách khoa học, tiến bộ, học giỏi, làm tốt nghĩa vụ với gia đình, động viên chồng con cùng chia sẻ công việc gia đình để có điều kiện chăm sóc sức khỏe và học tập nâng cao trình độ cho bản thân. - Thứ trưởng Ngô Thị Minh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành Giáo dục nỗ lực xóa bỏ định kiến giới