Ngành thủy lợi Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phục vụ dân sinh và phát triển nông nghiệp bền vững. Việc khai thác và sử dụng nguồn nước đang được tối ưu hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa.
Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa triển khai Hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (https://iot.monre.gov.vn/tnn/). Đây là một nền tảng công nghệ số tiên tiến nhằm theo dõi trực tuyến các công trình khai thác nước mặt và nước dưới đất được cấp phép bởi Bộ.
Hệ thống được thiết kế dựa trên các chuẩn mở, đảm bảo kết nối, liên thông và tích hợp dữ liệu với các hệ thống quan trắc của 63 tỉnh/thành phố (trước đây), đồng thời hòa nhập với các hệ thống hiện có về lưu lượng, mực nước và chất lượng nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa.
Tính đến hết tháng 6/2025, hệ thống đã cập nhật 13.444 giấy phép tài nguyên nước, trong đó 2.276 giấy phép do Bộ cấp và 11.168 giấy phép do các tỉnh cấp. Đặc biệt, 832 công trình khai thác tài nguyên nước thuộc đối tượng quản lý của Bộ đã đăng ký và kết nối, truyền dữ liệu về trung ương. Hệ thống cho phép thu nhận, lưu trữ dữ liệu từ các trạm quan trắc một cách nhanh chóng, xây dựng biểu đồ, đồ thị, thống kê theo thời gian, loại hình, đơn vị hành chính, hoặc lưu vực sông. Các tính năng cảnh báo tự động khi vượt ngưỡng quy định và trích xuất báo cáo giúp nâng cao hiệu quả quản lý.
Những kết quả ban đầu từ hệ thống đã hỗ trợ tích cực cho công tác điều hành tại trung ương và địa phương. Dữ liệu từ các công trình kết nối cung cấp cơ sở quan trọng để ra quyết định, từ giám sát việc tuân thủ giấy phép đến ứng phó với các tình huống khẩn cấp như hạn hán hoặc lũ lụt. Điều này không chỉ đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác nước một cách hợp pháp và bền vững.
Song song với hệ thống giám sát, Cục Quản lý tài nguyên nước vận hành hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ chứa trên nền tảng công nghệ số (https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua). Hiện tại, hệ thống tiếp nhận số liệu từ 134 hồ chứa thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, bao gồm sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srepok và sông Đồng Nai.
Hệ thống cung cấp các thông tin quan trọng như mực nước hồ, lưu lượng đến và xả qua đập, cũng như các giá trị mực nước theo cấp báo động và quy định trong quy trình vận hành. Những dữ liệu này, được cập nhật thường xuyên bởi các đơn vị quản lý hồ chứa, là cơ sở để phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ và hỗ trợ Cục kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, hệ thống đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp vận hành, điều tiết nước để cắt giảm lũ cho hạ du trong mùa mưa và đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trong mùa cạn.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành thủy lợi không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho dân sinh và nông nghiệp. Hệ thống giám sát và vận hành hồ chứa giúp tối ưu hóa việc phân phối nước, đảm bảo cung ứng ổn định cho hàng triệu hộ gia đình và diện tích đất canh tác trên cả nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra hạn hán và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, các dữ liệu thời gian thực từ hệ thống cho phép dự báo và điều chỉnh linh hoạt, giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng và sản xuất.
Đối với nông nghiệp, việc giám sát tài nguyên nước giúp nông dân tiếp cận nguồn nước ổn định, đặc biệt trong các vùng phụ thuộc vào thủy lợi như Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Hệ thống cảnh báo sớm về mực nước và chất lượng nước hỗ trợ lập kế hoạch tưới tiêu hiệu quả, giảm lãng phí và tăng năng suất cây trồng. Đồng thời, quy trình vận hành liên hồ chứa đảm bảo nguồn nước dồi dào cho vụ mùa, đặc biệt là lúa nước và các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, thách thức.
"Đối với ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi, điều tôi trăn trở nhất hiện nay là làm thế nào để có thể hiện đại hóa được hệ thống thủy nông của chúng ta. Tôi luôn có một giấc mơ Việt Nam mình sẽ có một số hệ thống thủy lợi lớn có thể điều hành tự động, mặc dù vậy thực tế còn rất nhiều vấn đề đòi hỏi ngành thủy lợi phải nghiên cứu, tính toán kỹ càng", Thứ trưởng Hiệp chia sẻ.
Thứ trưởng Hiệp phân tích: "Bài toán thứ nhất có thể thấy rõ là khí thải trong lĩnh vực nông nghiệp chúng ta hiện nay còn khá cao, nhất là vấn đề phát thải khí metan (CH4) trong sản xuất lúa. Nguyên nhân là vì trong canh tác lúa truyền thống chúng ta chưa tối ưu được vấn đề tưới tiêu, lúa thường xuyên ngập trong nước, sinh ra rất nhiều khí mê tan. Nếu chúng ta điều hành được hệ thống canh tác với thủy lợi tự động chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề này. Hệ thống thủy lợi lúc đó sẽ linh hoạt và chủ động để lúc nào lúa cần nước thì bơm vào, lúc không cần sẽ rút ra, tức là tưới theo định kỳ, ướt khô xen kẽ... Thứ hai, khoa học kỹ thuật của ngành thủy lợi phải làm sao để có được hệ thống quan trắc có thể dự báo tốt nhất. Chúng ta đã có hệ thống Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhưng theo tôi cần phải có hệ thống khí tượng thủy văn chuyên ngành thủy lợi để đáp ứng công tác dự báo được tốt hơn".
Quản lý tài nguyên nước theo quan điểm của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trương là nhu cầu tiếp cận tổng thể, hệ thống, và ứng dụng công nghệ để đối phó với những thách thức từ thiên nhiên để biến thành lợi thế phát triển đời sống và sản xuất của quốc gia. Việc này đòi hỏi sự đầu tư lớn và hợp tác quốc tế để phát triển các giải pháp bền vững.
Trong tương lai, việc mở rộng hệ thống giám sát đến các công trình nhỏ lẻ, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán xu hướng thời tiết, và đào tạo nhân lực vận hành là những mục tiêu chiến lược. Các sáng kiến này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn xây dựng một nền tảng quản trị tài nguyên nước thích ứng với biến đổi toàn cầu.