Các trường dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An được hỗ trợ kinh phí để dạy học tăng cường Tin học, Ngoại ngữ, kỹ năng sống, STEM...
Ngày 17/2, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội thảo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 17/2024/NQ – HĐND ngày 19/8/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh tại cơ sở giáo dục.
Trước đó, ngày 19/8/2024 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết 17/ 2024/NQ – HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường THPT thực hiện thí điểm mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết này, có 85 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS, THPT của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu được thụ hưởng.
Cụ thể Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí để chi trả cho giáo viên dạy học tăng cường các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục STEM, kỹ năng sống, giá trị sống. Bên cạnh đó, các trường cũng được hỗ trợ kinh phí mua sắm sách giáo khoa xây dựng tủ sách dùng chung để mỗi học sinh được mượn 1 bộ sách tương ứng với từng lớp mà em đó đang theo học.
Việc triển khai Nghị quyết có ý nghĩa thiết thực với mục tiêu hỗ trợ các trường dân tộc bán trú tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh. Trước đây, khi tổ chức bán trú, ngoài chương trình chính khóa, các chương trình tăng cường cho học sinh chủ yếu do nhà trường chủ động, linh hoạt triển khai và dựa vào sự tình nguyện của giáo viên. Trong khi giáo viên tin học, ngoại ngữ ở vùng cao còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Khi Nghị quyết 17 được ban hành sẽ hỗ trợ một phần cho các nhà trường, giáo viên trực tiếp đứng lớp, tạo động lực để các thầy cô nỗ lực và cống hiến.
Thực hiện Nghị quyết này, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành hướng dẫn, yêu cầu Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương, các nhà trường xây dựng kế hoạch, lập dự toán chi phí, thực hiện tốt các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, năm học 2024-2025, các trường dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh bắt đầu triển khai các tiết học tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống. Tuy nhiên, thực tế có nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để vận dụng Nghị quyết vào dạy học.
Qua tổng hợp báo cáo thực tế triển khai Nghị quyết 17 tại các nhà trường, khó khăn trước hết là cơ sở vật chất ở các trường dân tộc bán trú chưa đảm bảo. Trang thiết bị thiếu phục vụ dạy học thiếu hoặc đã xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy học STEM, Ngoại ngữ, Tin học (nhất là ở các điểm trường lẻ).
Đội ngũ giáo viên, nhất là bộ môn Tiếng Anh, Tin học đang thiếu trầm trọng. Tại huyện Kỳ Sơn, chỉ có 17 giáo viên tiếng Anh/33 trường tiểu học, các thầy cô đang dạy vượt quá số tiết quy định theo chương trình GDPT 2018. Tại huyện Quỳ Châu 1 giáo viên ngoại ngữ dạy 30 tiết/tuần các lớp chính khóa…. Việc phối hợp các Trung tâm để hợp đồng giảng dạy gặp khó khăn do kinh phí ít, quảng đường đi lại xa.
Một số nơi trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, nhất là giáo viên tiểu học, một số trường đang phải bố trí giáo viên văn hóa (đã được bồi dưỡng) sang dạy kiêm Tin học. Các giáo viên dạy STEM, giáo viên dạy kỹ năng sống chưa được đào tạo chính quy, chủ yếu là giáo viên dạy kiêm nhiệm, giáo viên được đào tạo đơn môn bố trí dạy STEM nên khó khăn khi dạy tích hợp, liên môn.
Do chưa có giáo trình, tài liệu dạy học tăng cường nên hiện nay các nhà trường khó khăn trong xây chương trình; việc xây dựng kế hoạch chủ yếu bám vào khung chương trình của Sở, không có giáo trình, tài liệu hướng dẫn nội dung cụ thể.
Tại hội thảo đại diện của các nhà trường, Phòng GD&ĐT trên địa bàn đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất cần có những giải pháp để giúp các nhà trường sớm triển khai hiệu quả. Trong đó đề xuất bổ sung đội ngũ, hướng dẫn xây dựng chương trình tăng cường,
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh, Nghị quyết 17 cũng là nỗ lực của ngành giáo dục, tham mưu tỉnh ban hành chính sách đặc thù dành cho trường dân tộc bán trú. Với việc hỗ trợ kinh phí cho thấy sự quan tâm, ưu tiên của tỉnh dành cho các trường ở vùng khó khăn với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách ở các vùng miền.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng ghi nhận và chia sẻ khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tại các huyện miền núi cao. Trong điều kiện cơ cấu giáo viên thừa thiếu cục bộ, khó khăn tuyển dụng, lãnh đạo Sở đề nghị các địa phương điều hòa nhân lực hợp lý, các trường bố trí đội ngũ linh hoạt, với giáo viên đang phải dạy thừa tiết nhiều thì không bố trí kiêm nhiệm các hoạt động khác. Đồng thời, vận dụng cơ sở vật chất hiện có để phục vụ dạy học. Các nhà trường cũng chủ động xây dựng chương trình tăng cường với thời khóa biểu, số tiết, chủ đề linh hoạt, không cứng nhắc. Mục tiêu đảm bảo phẩm chất, năng lực, kỹ năng chuẩn theo khung chương trình.
Sở cũng sẽ tham mưu nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy; định hướng địa chỉ các nhà cung ứng đúng tài liệu cho các trường; xây dựng bộ sách tiếng Anh dành riêng cho chương trình dạy tăng cường phù hợp với đối tượng học sinh. Đầu tư thêm ngân sách cho các cơ sở giáo dục để mua sắm đầy đủ tài liệu dạy học.
Trong bối cảnh thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT không dạy thêm học thêm có thu tiền trong trường học, Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh Nghệ An có ý nghĩa thiết thực, giúp các nhà trường dân tộc bán trú thuận lợi trong việc triển khai dạy học 2 buổi/1 ngày. Qua đó, tạo cơ hội để học sinh được học thêm các môn tăng cường ngoài các giờ học chính khóa.