Ảnh minh họa ITN. |
Tuy rằng xã hội phát triển, cơ hội kiếm tiền của nghề chụp ảnh dạo bị thu hẹp lại, song nếu ai đã có cơ hội trải nghiệm đều không thể phủ nhận chất lượng chụp ảnh của các “phó nháy” đường phố.
Bởi lẽ, hơn ai hết những thợ chụp ảnh đã quen với nghề. Họ hầu như đều là những người thợ đã lớn tuổi, có thâm niên vài chục năm. Họ tỉ mỉ hướng dẫn khách tạo dáng, các tư thế đứng, từng cử chỉ tay chân để cho ra bức ảnh ưng ý.
Chị Nguyễn Hoài Chi (30 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ hiện nay hầu như ai cũng chụp ảnh bằng điện thoại, chụp cả trăm tấm nhưng ít khi rửa ra, lưu giữ và xem lại. Đôi khi mất máy là sẽ mất cả ảnh.
“Tôi có cả vài cuốn album ảnh phim, lưu giữ những khoảnh khắc từ lúc còn nhỏ xíu. Có những tấm được ba mẹ cho đi ăn kem Tràng Tiền trên Bờ Hồ, có những tấm chụp khi đi công viên Thủ Lệ, đạp vịt Hồ Tây,… Chất lượng ảnh thời đó thì không phải bàn, những tấm ảnh được ba mẹ tôi rửa ra rồi ép plastic đến nay vẫn còn đẹp nguyên”, chị Hoài Chi hào hứng cho biết.
Với chị Chi, những mảnh ký ức không thể quay ngược lại ấy là những kỷ niệm vô giá được những người thợ ảnh “lưu giữ” lại giúp theo một cách rất riêng.
Có lẽ bởi những kỷ niệm vô giá ấy nên có khi vài ngày ông Dương chẳng chụp lấy được một tấm ảnh, nhưng niềm đam mê và yêu nghề vẫn thôi thúc ông cầm máy đi ra đường mỗi ngày. Với ông, một ngày không xách máy ra đường là không đành.
“Nhiều bữa ốm nằm ở nhà, nhìn bộ đồ nghề nằm một xó cũng không đành lòng. Nếu nói là vì miếng cơm manh áo thì cũng chẳng phải, giá chụp mỗi tấm ảnh là 15 nghìn đồng thôi, ngày chụp được vài tấm thêm thắt chút tiền cà phê, xăng xe chứ không coi đây là "cần câu cơm" như trước đây được nữa. Con cái tôi cũng nhiều lần khuyên tôi ở nhà nghỉ ngơi, thế nhưng nói thật tôi không thể. Chủ yếu là tôi yêu nghề, nhớ nghề và muốn giữ lấy cái nghề, giữ cả thời tuổi trẻ của mình mà thôi”, ông Dương vui vẻ nói.