Giáo dục

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hồi: 50 năm 'giữ lửa' nghề sơn mài

23/02/2025 12:11

Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội) vốn nổi tiếng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sơn mài chất lượng cao...

Ở làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm này, những người nghệ nhân đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, họ cũng luôn tìm cách gìn giữ nét đẹp truyền thống và khát khao tạo tương lai phát triển bền vững cho làng nghề.

“Lửa nghề” bền bỉ qua năm tháng

Mới đây, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Ba Đình - Hà Nội), UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Trong khuôn khổ buổi lễ còn khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Giữa các gian hàng lung linh nhiều màu sắc, gian hàng sơn mài Hạ Thái gây chú ý với những sản phẩm như bình hoa gốm, sứ, đĩa sứ, đĩa gỗ, tranh… đa dạng, họa tiết vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. Đây cũng là dịp để du khách chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồi - nghệ nhân tài hoa với hơn 50 năm tuổi nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Giám đốc Hợp tác xã Sơn mài Hạ Thái, Chủ tịch Hội làng nghề Sơn mài xã Duyên Thái, huyện Thường Tín sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thợ vẽ, sơn mài. Nhờ vậy, ngay từ nhỏ bà Hồi đã có cơ hội được tiếp xúc với các kỹ thuật làm tranh và bén duyên với nghề từ năm 16 tuổi. 1 năm sau, bà Hồi đăng ký vào học và làm nghề tại hợp tác xã.

“Lúc đó tôi chỉ làm các sản phẩm được giao như bàn cờ, “an bum” chứ chưa có đa dạng các sản phẩm như sau này. Năm 1991, hợp tác xã giải thể, từ một người thợ thủ công mỹ nghệ, tôi được chia ruộng rồi trở về làm các công việc nhà nông. Song “lửa nghề” trong tôi chưa từng bị dập tắt. Được bạn bè giúp đỡ, tôi quyết tâm trở lại với công việc mình đam mê”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi kể lại.

Bà hồi tưởng lại những ngày tháng đầy khó khăn, phải đăng ký làm công nhân thời vụ tại các xưởng sơn mài để trang trải cuộc sống. Suốt 2 năm bà vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và vốn. Đến năm 2003, khi đã “giắt lưng” được chút vốn, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi mới quyết định khởi nghiệp, tự làm chủ, mở xưởng riêng.

Đây là quyết định được đánh giá là mạo hiểm vào thời điểm đó bởi phương tiện truyền thông chưa phát triển, việc quảng bá sản phẩm và tìm kiếm các đầu mối tiêu thụ không hề đơn giản. Không nản lòng, bà Nguyễn Thị Hồi cùng chồng đã lặn lội từ Thường Tín lên phố cổ Hà Nội để giới thiệu và bán các sản phẩm như bình phong, các tấm tranh khổ nhỏ...

Nhờ tình yêu nghề bền bỉ và cố gắng không ngừng, công việc làm ăn của hai vợ chồng bà dần phát triển lớn mạnh hơn. Các mặt hàng cũng dần đa dạng và phù hợp với nhu cầu của thị trường như bát, đĩa, lọ hoa, tranh khổ lớn…

Gắn bó với nghề 50 năm, giờ đây dù nhắm mắt lại, bà Nguyễn Thị Hồi cũng có thể hình dung và miêu tả lại quy trình sản xuất các sản phẩm tranh sơn mài, bình hoa, bát đĩa… của mình. “Một chiếc bình hoa đơn giản thì ít nhất cũng phải qua khoảng 12 công đoạn. Đối với các loại bình yêu cầu nhiều màu sắc, cầu kỳ hơn thì khoảng 14 - 15 công đoạn.

Riêng tranh là sản phẩm phức tạp nhất và cũng tốn thời gian nhất, khoảng từ 17 - 20 công đoạn, thời gian hoàn thiện có thể lên tới vài tháng trời, thậm chí cả năm mới xong. Phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ lựa chọn, xử lý cốt gỗ; sơn và mài nhiều lớp, nhiều lần; trang trí bạc, vỏ trứng…”, nghệ nhân chia sẻ.

Mỗi sản phẩm nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi làm ra đều rất tinh xảo, chi tiết, mang đậm dấu ấn cá nhân. Những nét vẽ tinh tế, tỉ mẩn trên các sản phẩm được lấy cảm hứng từ chất liệu giản dị và gần gũi như hình ảnh phong cảnh đồng quê, hoa sen, con trâu, con bò, ruộng lúa, đình làng… rất quen thuôc với đại đa số người Việt. Qua đó, nghệ nhân cũng mong muốn lan tỏa những hình ảnh đẹp của quê hương, đất nước đến với du khách nước ngoài.

“Cách đây khoảng 5, 6 năm chúng tôi còn xuất khẩu các sản phẩm sang nước ngoài và cũng được đón nhận nhiệt tình. Khách nước ngoài họ chuộng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ lắm. Tuy nhiên dịch Covid ập tới, thị trường dần trầm lắng.

Tôi thấy tuổi tác của mình cũng đã cao rồi nên đã dừng xuất khẩu, chỉ tập trung phát triển trong nước. Hiện nay, tôi chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Hai mặt hàng được ưa chuộng nhất là các loại bình hoa, lọ hoa làm quà tặng. Riêng đối với bình hoa, có những đơn vị đặt một lần cả vài trăm cái”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi cho biết.

nghe-nhan-uu-tu-nguyen-thi-hoi-2.jpg
nghe-nhan-uu-tu-nguyen-thi-hoi-3.jpg
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo do nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi hoàn thiện.

Khát khao bảo tồn và phát triển làng nghề

Năm 2006, bà Hồi vinh dự trở thành 1 trong 4 người đầu tiên của làng nghề được công nhận danh hiệu nghệ nhân. Tới năm 2020, bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và được Bộ Công Thương trao tặng Kỷ niệm chương vào năm 2021. Ngoài ra, bà Hồi còn được trao bằng khen, phần thưởng khác của UBND huyện Thường Tín trong hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Hồi cho biết, cánh cửa hội nhập quốc tế mở ra, làng nghề sơn mài Hạ Thái và các làng nghề khác trên địa bàn thành phố đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây, trong làng Hạ Thái có tới 80% hộ gia đình theo nghề thì hiện nay chỉ còn khoảng 300 hộ, tức chưa đến 30%.

Điều may mắn làng nghề Hạ Thái luôn được các sở, ban, ngành quan tâm, tổ chức các lớp học cho hiệp hội, tạo điều kiện cho giới trẻ học nghề. Tuy nhiên, đa số các thanh, thiếu niên trong làng dù vẫn biết nghề, nhưng họ ít lựa chọn theo nghề.

nghe-nhan-uu-tu-nguyen-thi-hoi-4.jpg
Du khách tham quan gian hàng sản phẩm sơn mài Hạ Thái.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, trong bối cảnh đó, việc phải thay đổi tư duy và nỗ lực tìm hướng đi cho làng nghề rất quan trọng. Phải tìm hướng duy trì, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đồng thời tạo công ăn việc làm thu nhập cao cho người sản xuất.

Muốn như vậy thì làng nghề cần bắt nhịp với xu hướng mới, tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu xem người tiêu dùng đang cần gì, ưa chuộng gì. Qua đó, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm để tạo ra các sản phẩm phong phú về mẫu mã, có tính thời trang, kỹ thuật, mỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đương đại.

Cá nhân bà Hồi thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế nhằm học hỏi, cập nhật thông tin, nắm bắt ý tưởng sáng tạo, xu hướng thiết kế của các nước trên thế giới để cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nghe-nhan-uu-tu-nguyen-thi-hoi-50-nam-giu-lua-nghe-son-mai-post720020.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nghe-nhan-uu-tu-nguyen-thi-hoi-50-nam-giu-lua-nghe-son-mai-post720020.html
Bài liên quan
Sơn mài Việt vươn ra thế giới
Sơn mài vốn được coi là 'đặc sản' của nghệ thuật Việt Nam, trong khi tranh dân gian đã gắn bó với người Việt như một lẽ sống tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hồi: 50 năm 'giữ lửa' nghề sơn mài