Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

28/04/2024, 08:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.

“Tuyệt vọng cũng đẹp như bông hoa”

Trịnh từng nói về mình: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...” Quả thật, những ca khúc của Trịnh thường nhuốm màu hư ảo, không dễ hiểu nhưng vẫn thấy hay.

Mỗi ca khúc là một câu chuyện, một đoạn trải lòng, thành thật. Trịnh quan niệm: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.

Và: “Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”. Và nữa: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa…”.

Có lẽ vì thế mà nhà nghiên cứu âm nhạc Tâm Anh từng nhận xét: “Nguồn cảm hứng của nhạc Trịnh khơi nguồn từ những nỗi khổ đau trong đời người, nỗi thất vọng, sự chông chênh, những gì không vuông tròn, đối xứng.

Cảm xúc của ông dường như luôn đi trước một bước. Trong nỗi sống đã hình dung nỗi chết, mới gặp gỡ đã dự cảm chia lìa… Những cặp phạm trù buồn – vui, sống – chết, hạnh phúc – khổ đau, đắng – ngọt luôn tồn tại trong suy nghĩ, trong tâm tưởng và từ đó đi vào từng ca khúc của ông”.

Không chỉ vậy, Trịnh còn được đông đảo các văn nghệ sĩ nước ngoài yêu mến. Nhiều người nổi tiếng như: Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu, Kyo Yorkr, Richard Fuller, Vagne Christian… hát nhạc Trịnh bằng những ngôn ngữ khác nhau: Việt, Anh, Pháp, Nhật... Trịnh được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như “Bob Dylan của Việt Nam”.

Frank Gerke - Tiến sĩ triết học người Đức, nghe nhạc Trịnh, say nhạc Trịnh và thốt lên rằng: “Nhạc anh Sơn là nhạc chỉ dành cho một người. Khi nào buồn, khi nào cô đơn đến tuyệt vọng mà không còn biết bấu víu vào đâu nữa, người ta tìm về với Trịnh. Trịnh sẽ đón họ, nâng đỡ, an ủi họ. Vì thế, tôi mới bảo Trịnh Công Sơn là một nửa âm nhạc Việt Nam”. Frank Gerke lấy tên tiếng Việt là Trịnh Công Long.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Ảnh tư liệu

Haike Manning - cựu Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình đã chọn hát “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh. Haike Manning chia sẻ: “Tôi muốn bày tỏ tình yêu của mình với Việt Nam, lòng ngưỡng mộ sâu sắc trước tài năng và di sản của Trịnh Công Sơn”.

Đành lòng biết nhạc Trịnh buồn lắm, triết lý lắm và đôi khi cũng khó hiểu lắm nhưng hàng triệu triệu người vẫn yêu nhạc Trịnh theo dặm dài năm tháng. Vì sao ư? Nghe Trịnh để có “một tấm lòng, để có một tiếng cười, để lặng nhìn không nói năng, để yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui” (Để gió cuốn đi).

Nghe Trịnh để giữ chặt niềm tin và không khi nào tuyệt vọng (Tôi ơi đừng tuyệt vọng)… Nghe Trịnh để: “Và như thế tôi sống vui từng ngàу/ Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã уêu cuộc đời nàу bằng trái tim của tôi…” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).

Người tài hoa thường bị số phận trêu đùa. Sống thật lòng, yêu thật lòng, thương thật lòng, thơ thật lòng, nhạc cũng thật lòng… Đó là Trịnh. Sao lại mất vào ngày nói dối? À không. Không phải. Sự ra đi của Trịnh chỉ là lời nói dối. Thời gian đã minh chứng Trịnh trường tồn trong lòng công chúng. Một cách mãnh liệt. Nhạc Trịnh vẫn được hát, vẫn được nghe bằng tất cả trái tim của người ái mộ.

Đêm qua, Trịnh đàn ghita và hát trong giấc mơ của tôi: “Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm/ Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm/ Cho vừa nhớ nhung/ Có em dỗi hờn nên mãi ru thêm ngàn năm/ Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ…” (Ru em từng ngón xuân nồng).

Ai yêu nhạc Trịnh sẽ yêu giọng hát của Ly: Liêu trai, u tịch, mê hồn… Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, Trịnh viết chủ yếu cho Ly hát. Trong sự nghiệp cầm ca vươn tới tầm cao của mình, Ly hầu như chỉ hát nhạc Trịnh. Họ sinh ra để thắp sáng nhau nhưng không phải là yêu.

Trịnh từng nói: “Khánh Ly hát về nỗi buồn một cách bình thản. Và còn gì buồn hơn khi nỗi buồn đến một cách bình thản, đương nhiên như thế?”. Trịnh thương Ly, xa xót cho Ly. Và nhiều hơn thế. Còn Ly, Ly gọi Trịnh là gì? Tri kỉ! Họ là một cặp tri kỉ, là định mệnh của nhau, cùng góp cho âm nhạc Việt Nam nốt sol kì diệu.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nghe-trinh-de-yeu-ngay-toi-post680878.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nghe-trinh-de-yeu-ngay-toi-post680878.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghe Trịnh để yêu ngày tới...