Nghịch lý giáo viên dạy tiếng dân tộc khó kiếm việc làm

07/06/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhiều trường chọn Tiếng Dân tộc thiểu số là môn học tự chọn.

Để công tác giảng dạy hiệu quả, các địa phương mong đội ngũ giáo viên được tạo điều kiện bồi dưỡng cũng như có chế độ tương xứng.

Gần 42% giáo viên tiếng Khmer đạt chuẩn đào tạo

Hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 82/2010 của Chính phủ, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được triển khai. Các địa phương đã quan tâm phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số sớm nhất trong cả nước. Chương trình tiếng Khmer được đưa vào từ năm học 2006 - 2007 ở trường tiểu học và THCS tại 10 tỉnh, thành (An Giang, Bạc liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ).

Hiện có 366 trường, 3.015 lớp và 78.082 học sinh học tiếng Khmer. Giáo viên tiếng Khmer có 569 thầy cô, trong đó giáo viên có trình độ chuẩn đào tạo về chuyên môn tiếng dân tộc theo quy định đạt 41,72%. Hiện nay, đội ngũ này được đánh giá là cơ bản đạt trình độ chuẩn đào tạo về chuyên môn tiếng dân tộc theo quy định so với giáo viên tiếng dân tộc thiểu số còn lại.

Việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số góp phần quan trọng vào duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh được học tiếng mẹ đẻ tự tin hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động tập thể. Các em ham thích học tập và tự hào về tiếng của dân tộc…

Theo ông Trần Khánh, Trưởng phòng Giáo dục dân tộc - GDTX (Sở GD&ĐT Sóc Trăng), dạy học tiếng Khmer trong trường phổ thông được tỉnh, ngành Giáo dục quan tâm nên thuận lợi cả về chương trình và giáo viên. Khó khăn hiện nay là SGK theo chương trình mới đối với tiếng Khmer. Các lớp 1, 2, 3, 7, 10 vẫn học theo sách cũ nhưng có hướng dẫn thực hiện theo chương trình mới.

Ngoài ra, trước đây tiếng dân tộc cấp tiểu học 4 tiết/tuần thì chương trình mới còn 2 tiết/tuần... Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng), cho biết thêm: Môn học Tiếng Khmer trong chương trình mới là tự chọn, nên trường chọn chương trình do tỉnh biên soạn và đang thực hiện giảng dạy. Việc dạy học diễn ra thuận lợi, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer của trường đảm bảo.

Nghịch lý giáo viên dạy tiếng dân tộc khó kiếm việc làm ảnh 1

Giờ học của sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn Khmer tại Trường ĐH Trà Vinh.

Quan tâm đào tạo giáo viên

Trong Chương trình GDPT 2018, Tiếng Dân tộc thiểu số là môn học tự chọn. Bộ GD&ĐT đã ban hành 8 chương trình tiếng dân tộc thiểu số dạy học trong trường phổ thông (Bahnar, Chăm, Khmer, Ê Đê, Jrai, Mnông, Mông, Thái). Theo đó, để triển khai chương trình Tiếng Dân tộc thiểu số mới đến năm học 2024 - 2025 cần khoảng 4.000 giáo viên, đến năm 2029 - 2030 là hơn 9.000 người.

Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có một trường đại học đào tạo giáo viên chính quy và cấp bằng chuẩn trình độ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số là Trường ĐH Trà Vinh với ngành Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ.

Theo lãnh đạo Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường ĐH Trà Vinh), từ năm 2008, Bộ môn Sư phạm Ngữ văn, Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer cho các tỉnh ĐBSCL. Từ khóa 2008 - 2018 có 11 lớp, với số lượng 323 sinh viên. Đây là chuyên ngành đặc thù mà Bộ GD&ĐT cho phép Trường ĐH Trà Vinh tuyển sinh đầu tiên trên cả nước.

Từ năm 2019 đến nay, trường thực hiện các thủ tục theo quy định và tiến hành mở mã ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Sư phạm Tiếng Khmer. Tháng 5/2023, 100% sinh viên ngành Sư phạm Tiếng Khmer khóa 2019 đã hoàn thành khóa học và tốt nghiệp ra trường xếp loại từ khá trở lên. Ngoài ra, nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer, trường còn đảm nhiệm vai trò bồi dưỡng giáo viên đang đứng lớp theo yêu cầu của các địa phương.

Về khó khăn, theo chia sẻ của lãnh đạo Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn, việc giảng dạy tiếng Khmer hiện chưa được triển khai đồng bộ. Do đó, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên giảng dạy tiếng Khmer trên thực tế ở nhiều địa phương còn hạn chế. Sinh viên ra trường cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành.

Một vấn đề đặt ra là để đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số đạt chuẩn, đáp ứng Chương trình GDPT mới thì cần phải có cơ sở đào tạo đạt chuẩn. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số tại các trường đại học đều thiếu. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ để giúp các trường đại học và địa phương có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng dân tộc thiểu số.

Trao đổi về chính sách đãi ngộ, thu hút đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, ông Trần Khánh thông tin: Đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nếu dạy ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn thì được hưởng 70% phụ cấp thu hút và 50% phụ cấp dạy tiếng dân tộc. Nếu giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các trường không thuộc ấp, xã đặc biệt khó khăn thì được hưởng thêm phụ cấp bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu. Ngoài chính sách đãi ngộ trên, giáo viên dạy tiếng Khmer được hưởng các chế độ khác theo quy định…

Tại các địa phương, đội ngũ giáo viên tuy đã có nhiều giải pháp khắc phục, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng thiếu, thừa, chưa cân đối, chưa đồng bộ. Theo đại diện Sở GD&ĐT Sóc Trăng, năm học 2022 - 2023 toàn tỉnh có 11.440 giáo viên phổ thông, vẫn còn thừa - thiếu giáo viên phổ thông cục bộ. Cụ thể, cấp THCS thiếu 81 giáo viên Địa lý, Kỹ thuật công nghiệp, Thể dục, Tiếng Khmer… Tại tỉnh Bạc Liêu, cấp THCS cũng thiếu 14 giáo viên dạy tiếng Khmer.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch lý giáo viên dạy tiếng dân tộc khó kiếm việc làm