Tuy nhiên, hướng dẫn của ĐH Stanford không được nhiều người ủng hộ, kể cả cán bộ, nhân viên trong trường.
“Là một người nhập cư từ Trung Quốc và lựa chọn trở thành công dân Mỹ, tôi thấy danh mục các từ bị cấm của ĐH Stanford, bao gồm ‘American’ và ‘immigrant’, mang tính phân biệt và gây bất hòa”, bà Helen Raleigh - một nhân viên tại ĐH Stanford nói với Wall Street Journal.
Một nhân viên khác tại ĐH Stanford là Kevin McCarthy cũng cho rằng nhà trường không nên đóng khung ý nghĩa các từ lên suy nghĩ của người nói.
“Nếu tôi phát ngôn gì đó bị hiểu là tối nghĩa thì đó có thể là vấn đề ở người hiểu, không phải vấn đề ở phía tôi”, ông nói.
Theo đại diện của ĐH Stanford, hướng dẫn loại bỏ ngôn từ độc hại chỉ được áp dụng trên trang web nội bộ nhà trường. Ảnh: AP. |
Sau khi đưa ra bộ hướng dẫn nói trên, ĐH Stanford ngay lập tức chuyển sang chế độ riêng tư cho hệ thống mạng nội bộ của trường. Theo đó, chỉ những người có thông tin, mật khẩu nội bộ mới có thể đăng nhập vào.
"Hướng dẫn loại bỏ ngôn từ có hại của ĐH Stanford đưa ra để sử dụng nội bộ, thường là cho các nhóm làm việc. Trong trường hợp này, trang web EHLI được tạo ra và sử dụng riêng trong hệ thống mạng nội bộ trường. Trang web sẽ tiếp tục được tinh chỉnh dựa trên cộng đồng người dùng", người phát ngôn của ĐH Stanford nói với Fox News Digital.
Trong một phản hồi hôm 20/12, ông Steve Gallagher, Giám đốc hệ thống thông tin của ĐH Stanford cũng cho biết trang web này không đại diện cho chính sách của trường mà chỉ để để phục vụ mục đích thảo luận trên hệ thống mạng nội bộ ĐH Stanford. Thậm chí, ông cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “American” không chỉ không bị cấm ở Stanford mà còn được hoan nghênh.
Washington Free Beacon đánh giá nỗ lực của ĐH Stanford trong việc kiểm soát ngôn ngữ phản ánh xu hướng kiểm soát ngôn ngữ mới trong giới học thuật, chính phủ, truyền thông, cơ sở y tế và doanh nghiệp Mỹ.
Các nguyên tắc của hướng dẫn mới góp phần vào việc xóa bỏ sự phân biệt về giới nam - nữ, đồng thời nâng cao nhận thức về chủng tộc.