Giáo dục

Người Anh cả huyền thoại

30/04/2025 16:07

Trong bức thư gửi lực lượng vũ trang cả nước nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân giải phóng Việt Nam (nay là Quân đội Nhân dân Việt Nam) - 22/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh là Anh cả. Cách gọi thân ái đấy đúng với tinh thần lịch sử của quân đội ta”.

“Chính Bác Hồ đã chọn con đường binh nghiệp” cho Đại tướng vì Người đã sớm nhận thấy ở ông có tầm cao tư duy - sự kết hợp giữa tư duy nhà Luật học với tư duy của nhà Sử học; thiên bẩm uyên bác về quân sự của một “Tôn Tử thời nay”; cảm nhận ở ông tính nhân văn, đức độ của một bậc hiền nhân với đồng bào, Tổ quốc, Đảng, với những người lính của mình đã làm nên một “dáng đứng tự hào/ Dáng đứng Việt Nam”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một thầy giáo dạy Sử - nếu không có chiến tranh - đã có thể là một trong những “gương mặt lớn” của Sử học Việt Nam.

Từ những bài tổng kết chiến tranh đến những công trình lý luận về quân sự, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến của dân tộc và Điện Biên Phủ, đặc biệt là bộ hồi ức lịch sử đã công bố gần trọn vẹn cuộc đời ông, cũng là gần trọn vẹn những biến cố lịch sử quan trọng nhất nửa sau thế kỷ XX. Có thể nói: “Không có nhà hoạt động chính trị nào ở nước ta có ý thức và năng lực làm được những điều Võ Nguyên Giáp đã làm và chắc chắn trong nền sử học nước ta cũng hiếm có sự sánh nổi với những đóng góp vô song của Võ Nguyên Giáp vào pho sử hiện đại của Việt Nam thế kỷ XX. Cho nên có thể coi Võ Nguyên Giáp là “người viết Sử và cũng chính là người làm nên lịch sử” - “vài trăm năm sau, khi người ta nhắc đến thế kỷ XX thì chắc chắn hai tên tuổi đậm nét nhất là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, vì đó là hiện thân cho hai thế hệ nối tiếp nhau làm nên lịch sử của thế hệ hào hùng này” (theo chia sẻ của GS Trần Văn Giàu trong dịp ông tới thăm lăng Tự Đức ở Huế).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - được coi là “cứ điểm mạnh nhất Đông Dương” thời bấy giờ - đã căn dặn Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra trận - Tướng quân tại ngoại. Trao toàn quyền cho chú quyết định”; “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho chắc, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”.

Đồng chí Hồng Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được nhận nhiệm vụ chủ công chờ lệnh xuất kích thì Đại tướng xuống kiểm tra trận địa, đã ra lệnh cho đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Sau này mới biết, sau khi nghiên cứu tình hình, phân tích những thuận lợi, khó khăn về mọi mặt, ông mất ngủ - “đầu quấn ngải cứu” - suốt 11 ngày đêm trăn trở… Đêm 25/11/1954, Đại tướng đi đến nhận định: “Đánh theo cách này (đánh nhanh, thắng nhanh) trong vòng 3 ngày, nhất định sẽ thất bại”. Ông trao đổi với cán bộ Sở Chỉ huy mặt trận và cố vấn nước ngoài, xin ý kiến Bác Hồ, Bộ Chính trị và ra quyết định chuyển phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc” - trong khi mấy vạn quân đã dàn trận, pháo đã kéo vào trận địa - sẵn sàng nổ súng vào đêm 25/1/1954. Đây là “quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy” - về sau ông tâm sự.

nguoi-anh-ca-huyen-thoai-3.jpg
Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tên Văn, ngày 7/4/1975 gửi chỉ huy các sư đoàn giải phóng miền Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Sự chuyển hướng này đã hạn chế tổn thất, nhất là về người. Trung tướng Hồng Cư nhớ lại: “Lúc bấy giờ, nếu không có quyết định sáng suốt của Đại tướng, thì có lẽ tôi và một số cán bộ, chiến sĩ không còn được tiếp tục tham gia đánh Mỹ”, “đây thực sự là công ơn cứu sống của Đại tướng”.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng đã tự tay viết “mệnh lệnh” gửi tới cán bộ, chiến sĩ mặt trận: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” - như một “lời hịch” - Lời hịch đó đã truyền cảm hứng tới những chiến sĩ trên khắp mặt trận và được Quân giải phóng miền Nam thực hiện một cách hoàn hảo! 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, một cảnh tượng hết sức hào hùng: Bánh xích của xe tăng ta đã đè bẹp cánh cổng Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa; cờ chiến thắng - “màu đỏ của đất, màu xanh của trời”, với ngôi sao vàng rực rỡ đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đầu hàng vô điều kiện!

Trong một dịp tiếp xúc với nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - Mc Namara, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ… cho nên tôi rất tôn trọng người lính”. Khi được hỏi: “Vị tướng nào trong chiến tranh được tướng Giáp đánh giá cao nhất?”, ông đáp lại ngay: “Các vị tướng dù có công lao to lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người thắng Mỹ... Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là Tướng Nhân dân”.

Trong bài trả lời phỏng vấn của một nhà báo phương Tây sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhà báo đó đã so sánh Đại tướng với thiên tài quân sự lừng danh thế giới người Pháp Napoleon, ông ấy đã nhận được câu trả lời: “Napoleon còn có Waterloo (một thảm bại quân sự của người Pháp), còn Quân đội Nhân dân Việt Nam chúng tôi chỉ biết có chiến thắng”.

Quả vậy, trong một quân đội có vị chủ tướng mà tình “phụ tử chi binh” thân ái đến mức Đại tướng Tổng Tư lệnh đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận, một quân đội mà các đồng đội của chủ tướng được coi như anh em ruột thịt, một quân đội mà chủ tướng đã bao lần rơi lệ vì tiếc thương những người lính của mình; một quân đội mà những câu từ nhật lệnh ban ra thống thiết như “Hịch tướng sĩ”, một quân đội được đích thân rèn giũa bản sắc nhân văn qua Mười lời thề danh dự; một quân đội mà ngay cả các tướng thua trận đã phải ngả mũ bái phục vị tướng chỉ huy của đối phương đã đánh bại mình - Quân đội - Bộ đội Cụ Hồ ấy ắt hẳn phải “Bách chiến, bách thắng”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-anh-ca-huyen-thoai-post729247.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-anh-ca-huyen-thoai-post729247.html
Bài liên quan
Hà Nội tri ân nhà giáo chiến sĩ nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam
Sở GD&ĐT Hà Nội gặp mặt, tri ân các nhà giáo tham gia chiến trường B, C, K và nhà giáo đi B trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Anh cả huyền thoại