Bà Hồ Thị Nam (60 tuổi) phấn khởi: “Tôi chẳng nhớ đã đón bao nhiêu cái Tết Chăm Cha Bới nữa. Nhưng kể từ khi về bản, Tết Chăm Cha Bới của đồng bào Chứt vui và đầy đủ lắm. Bà con giờ đón Tết cái gì cùng có từ thịt, cá, lúa nếp… trẻ con còn có cả bánh kẹo, quần áo mới”.
Còn đối với bà Hồ Sen (74 tuổi), niềm vui của bà vào mỗi dịp Tết Chăm Cha Bới là cơ hội để đem cây đàn pi ra biểu diễn. Cây đàn pi đã gắn bó với bà Sen ngót ngét gần nửa thế kỷ. Dù cuộc sống mới đã thay đổi nhiều hủ tục đồng bào Chứt, nhưng những nét văn hóa vẫn được chính quyền các cấp gìn giữ.
“Ngày trước, tiếng đàn pi là “ông mối” cho các đôi trẻ tìm hiểu nhau. Giờ đây trai gái yêu đương tự do hơn nên tiếng đàn pi cũng bị lãng quên rồi. Nhưng nhờ bộ đội, cán bộ địa phương… những nhạc cụ truyền thống của người Chứt vẫn tiếp tục được bảo tồn, không bị lãng quên”, chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre cho hay.
Trẻ em đồng bào Chứt biểu diễn văn nghệ vui đón Tết Chăm Cha Bới. |
Nhân dịp Tết Chăm Cha Bới, ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã gửi lời chúc mừng đến bà con người Chứt. Đại diện lãnh đạo huyện Hương Khê cũng bày tỏ mong muốn đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tham mưu ban hành cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện các đề án, dự án, quan tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần nhằm động viên bà con có cuộc sống ổn định, vươn lên, đồng thời tiếp tục quan tâm việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Chứt.
“Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp để gìn giữ, phát huy, lưu truyền, phổ biến những phong tục tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của người Chứt. Để làm sao từng bước đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam”, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết.
Tại chương trình, ban tổ chức cũng đã trao tặng cho bà con nhiều phần quà ý nghĩa với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng, gồm: Tiền mặt, sách vở, chăn, quần áo ấm và các loại nhu yếu phẩm cần thiết như bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm, mì chính, thịt heo, gạo… với mong muốn bà con đón Tết truyền thống đủ đầy, vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc.
Một góc bản Rào Tre (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). |
Đặc biệt, Tết Chăm Cha Bới cũng là dịp quan trọng để gieo lên trong mỗi người ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chứt trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.
Sau hàng chục năm hòa nhập cộng đồng, người Chứt ở bản Rào Tre đã có cuộc sống mới. Cả bản hiện có 46 hộ đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, với 156 nhân khẩu. Nhiều năm nay, được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chứt ngày càng đổi mới và phát triển.
Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết của người Chứt đã gần như không còn. Thanh niên nam, nữ người Chứt đến tuổi dựng vợ gả chồng đã tìm hiểu và lập gia đình với người ngoài bản, ngoài dòng họ. Nhiều thanh niên người Chứt được học hành đầy đủ đã đi làm ăn xa, để thay đổi đời sống…