Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cứu sống thuyền viên 34 tuổi, quốc tịch Myanmar bị nhồi máu cơ tim cấp. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá nhiều năm, nhưng không có tiền sử mắc các bệnh lý mạn tính.
Cứu sống thuyền viên Myanmar bị nhồi máu cơ tim
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cứu sống thuyền viên 34 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh nhân là K.K.M (34 tuổi, quốc tịch Myanmar), làm việc trên tàu viễn dương đang neo đậu tại cảng Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh).
Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng đau tức ngực trái dữ dội, triệu chứng này xuất hiện đột ngột khoảng 1 giờ trước khi nhập viện. Qua khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân có thói quen hút thuốc lá nhiều năm, nhưng không có tiền sử mắc các bệnh lý mạn tính.
Qua thăm khám lâm sàng cùng kết quả điện tim, siêu âm tim và xét nghiệm men tim, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim trước rộng cấp.
Bệnh nhân người Myanmar bị nhồi máu cơ tim cấp được kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh can thiệp đặt stent thành công. Ảnh: BVCC
Hội chẩn khoa đánh giá bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, tiên lượng nặng, nguy cơ diễn biến cao. Kíp can thiệp ngay lập tức được huy động và nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên phòng can thiệp.
Kết quả chụp mạch vành qua da cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước ngay từ đoạn đầu, đồng thời hẹp 50% các nhánh mạch khác. Chỉ định can thiệp đặt stent tái thông động mạch, tưới máu lại cho cơ tim ngay lập tức được đặt ra.
Hình ảnh mạch vành bị tắc hoàn toàn được đặt stent tái thông thành công.
Sau gần 1 tiếng nỗ lực, kíp can thiệp đã can thiệp đặt thành công 02 stent động mạch liên thất trước, cứu sống bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hết đau tức ngực và chuẩn bị xuất viện về nước.
Ths.BS Ngô Văn Tuấn (Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Ở người trẻ tuổi, nhồi máu cơ tim cấp thường xảy ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, diễn biến rất nhanh, nguy cơ tử vong cao. Như trường hợp nam thuyền viên người Myanmar vừa được cấp cứu mới đây, bệnh nhân rất trẻ, chỉ mới 34 tuổi nhưng đã bị nhồi máu cơ tim cấp, tình trạng tắc mạch rất nặng nề, tắc hoàn toàn mạch chính nuôi tim là động mạch liên thất trước.
Đặc thù công việc của bệnh nhân này thường lênh đênh trên biển, may mắn là thời điểm khởi phát triệu chứng đau tức ngực, tàu biển này cập cảng Cái Lân (Hạ Long) nên bệnh nhân đưa đến viện cấp cứu kịp thời trong "giờ vàng", nhờ vậy sẽ giảm nguy cơ biến chứng, tử vong. Nếu phát hiện và can thiệp muộn thì cơ hội sống rất mong manh. Đây cũng là ca bệnh nhồi máu cơ tim trẻ nhất mà khoa Tim mạch can thiệp cấp cứu đến thời điểm hiện tại".
Ths.BS Ngô Văn Tuấn cho biết thêm, trường hợp của bệnh nhân Myanmar có thói quen hút thuốc lá tần suất dày đặc trong thời gian dài. Đây được xem yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi.
"Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 – 4 lần so với người không hút thuốc. Hút thuốc lá lâu năm sẽ gây ra bệnh lý xơ vữa mạch mãn tính với tất cả các mạch máu trong cơ thể. Các mảng xơ vữa dần dần sẽ gây hẹp mạch, mà hậu quả nghiêm trọng có thể là nhồi máu cơ tim, nhồi máu não cấp", bác sĩ Tuấn cho hay.
Để tránh nhồi máu cơ tim khi còn quá trẻ, bác sĩ khuyến cáo: Tất cả mọi người cần có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, từ bỏ việc hút thuốc lá để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và các bệnh tật khác liên quan đến hút thuốc lá. Cùng với đó nên đi khám, tầm soát sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bất thường và xử trí kịp thời.
Bệnh nhân trẻ người Myanmar bị nhồi máu cơ tim hồi phục tốt sau can thiệp. Ảnh: BVCC
Nhồi máu cơ tim cấp là gì?
Nhồi máu cơ tim cấp (AMI) là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu.
Nhồi máu cơ tim dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, và nếu không cấp cứu để khôi phục lưu lượng máu nhanh chóng, có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn và tử vong.
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với tỷ lệ mắc phải ngày một tăng. Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim mà tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể xuống chỉ còn khoảng 7%.
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp tính
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp là:
- Cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay.
- Cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
- Vã mồ hôi.
- Khó thở, thở khò khè.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Nôn, buồn nôn.
- Lú lẫn.
- Rối loạn tiêu hóa (gặp ở một số người).
Trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Làm gì khi bị nhồi máu cơ tim cấp?
Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong và hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trước khi đến bệnh viện. Những bệnh nhân được điều trị sớm sẽ có tiên lượng và khả năng phục hồi tốt hơn sau nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế có thể điều trị tái tưới máu cơ tim càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng.
Thời gian vàng để điều trị nhồi máu cơ tim là 1-2 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Hoặc ít nhất là trong 6 giờ đầu để giảm mức độ hoại tử tim, giảm nguy cơ suy tim sau đó.