Bệnh nhân được điều trị bằng truyền máu, kháng sinh, thải độc, hồi sức tích cực theo phác đồ. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số hô hấp, men gan, tan máu cải thiện.
Bác sĩ CKI Trần Công Cẩn, Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, lộc mại là cây dược liệu mọc hoang phổ biến ở một số tỉnh miền bắc và đồng bằng nước ta.
Theo y học cổ truyền, lá lộc mại có vị nhạt, tính bình, tác dụng nhuận tràng (liều nhỏ), tẩy (liều lớn), tiêu độc, sát trùng. Dân gian truyền nhau kinh nghiệm uống nước lá lộc mại để chữa bệnh táo bón, kiết lỵ... Tuy nhiên việc sử dụng không đúng cách, quá liều lượng có thể dẫn đến ngộ độc.
Theo bác sĩ CKI Trần Công Cẩn, Khoa hồi sức tích cực và chống độc, người bị ngộ độc lá lộc mại thường có biểu hiện nhịp tim nhanh, mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, đi tiểu màu đỏ do một số loại sắc tố trong lá cây gây ra, đi tiểu vặt và buốt…Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị tan máu cấp, thiếu máu nặng, suy gan, suy thận, thậm chí suy đa tạng và tử vong nhanh chóng.
Bệnh nhân T bị ngộ độc lá lộc mại rất nghiêm trọng, điển hình. Rất may mắn vì sau khi được cấp cứu, điều trị hồi sức theo phác đồ bệnh nhân đã thoát nguy kịch.
Theo bác sĩ Y học cổ truyền, cây lộc mại là một cây thuốc nhưng được dùng theo kinh nghiệm dân gian, tại Việt Nam chưa có những nghiên cứu cụ thể. Việc ngộ độc lá lộc mại hoặc một số loại lá, cây để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan sử dụng dẫn đến ngộ độc đáng tiếc.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng lá lộc mại để làm thuốc chữa bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian.