Phỏng vấn NSƯT Thanh Thúy về hoạt động ngày lễ
Để giúp người dân có thêm thông tin về các địa điểm vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ lễ, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM.
- Phóng viên: Dịp lễ 30-4 và 1-5, người dân TP HCM có thể xem bắn pháo hoa ở đâu, thưa bà?
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy: Được sự cho phép của UBND TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm là Công viên Văn hóa Đầm Sen và khu vực nóc hầm Thủ Thiêm từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 30-4 do Bộ Tư lệnh thành phố chủ trì.
Cụ thể, bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường Hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) và bắn tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11.
- Ngoài tổ chức bắn pháo hoa, TP HCM còn có những hoạt động giải trí gì trong dịp lễ lớn kéo dài nhiều ngày?
Chuỗi các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), TP HCM tổ chức rất nhiều hoạt động lễ hội phục vụ nhân dân. Sáng nay, 29-4, lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Vua Hùng là hoạt động thường niên với ý nghĩa sâu sắc để ghi nhớ công ơn xây dựng đất nước của các bậc tiền nhân.
Về các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao sẽ có chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023) và 137 năm ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886 - 1.5.2023); kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023). Chương trình diễn ra vào lúc 19 giờ, ngày 28-4 tại khu vực đường Nguyễn Huệ được trực tiếp truyền hình - phát thanh và phát trên các hạ tầng truyền thông số.
Tại TP Thủ Đức và các quận, huyện, chương trình nghệ thuật đặc biệt sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 30-4 tại TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và tối ngày 1-5 diễn ra tại quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.
Bên lề các hoạt động, sự kiện chào mừng ngày 30-4, thành phố còn tổ chức Festival Hoa lan TP HCM lần 2 với chủ đề "Đậm đà hương sắc", chương trình nhằm tôn vinh hoa lan và các sản phẩm hoa kiểng; kết nối du lịch với phát triển nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nhà vườn quảng bá nông nghiệp thành phố. Được biết, Festival Hoa lan diễn ra trong 5 ngày, từ 28-4 đến 2-5 tại Công viên Tao Đàn (quận 1).
- Điểm nhấn thú vị trong chuỗi hoạt động nghệ thuật biểu diễn chào mừng dịp lễ năm nay là gì, thưa bà?
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam và 137 năm ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886 - 1.5.2021); Kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943 - 2023) với chủ đề "Việt Nam vang khúc khải hoàn ca". Chương trình do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP HCM tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố thực hiện vào lúc 19 giờ ngày 28-4 tại sân khấu đường đi bộ Nguyễn Huệ (giao lộ Ngô Đức Kế) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình TP HCM; phát thanh trực tiếp trên kênh FM 99.9MHZ - Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM - VOH. Chương trình được phát sóng lại vào ngày 30-4 trên kênh HTV9 như một hoạt động thiết thực chào mừng lễ, phục vụ nhân dân.
Trong chương trình có sự tham gia của các văn nghệ sĩ: NSND Minh Vương, NSƯT Quế Trân, NSƯT Vân Khánh, Quang Linh, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng, Hiền Thục, Đào Mác, Duyên Huyền, Thanh Sử, Nguyễn Phi Hùng,…
Chương trình nghệ thuật tại TP Thủ Đức và các quận - huyện diễn ra ngày 30-4 do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện tại TP Thủ Đức, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội thực hiện tại quận 12; Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh thực hiện tại quận Gò Vấp; Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam thực hiện tại huyện Bình Chánh; Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen thực hiện tại huyện Hóc Môn...
Nhiều chương trình ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, vùng ven ngoại thành với nhiều loại hình ca múa nhạc được đầu tư kỹ lưỡng để phục vụ nhân dân. Trong đó, một số sự kiện được đầu tư trọng tâm như vở kịch xiếc Cha Rồng Mẹ Tiên tại rạp xiếc Gia Định, công diễn tối 29-4 với thủ pháp dàn dựng mới mẻ giữa nhạc và xiếc.