Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh đời sống "bừng sáng" của người dân tại hai dự án đất DCDV Ấp Đồn và Yên Lãng thì cuộc sống của những hộ dân được phân đất tại dự án đất DCDV ở Khu 1 và Khu 2 của thôn Trần Xá ( xã Yên Trung ) lại trở nên "tăm tối" hơn bao giờ hết.
Gặp phóng viên trong khi đang tác nghiệp tại bãi đất trống với những trụ bê tông, ống cống thoát nước ngổn ngang, cỏ mọc um tùm của dự án đất DCDV Khu 1 thôn Trần Xá, bà Nguyễn Thị Tùy (ở thôn Trần Xá, xã Yên Trung, huyện Yên Phong) cho biết, gia đình bà bị mất gần 3 xào ruộng canh tác để phục vụ cho dự án xây dựng khu công nghiệp của tỉnh. Đổi lại, gia đình bà được nhận 100m2 đất dân cư dịch vụ. Nghĩ rằng cũng sẽ được "đổi đời" như bao gia đình khác khi được nhận đất DCDV tại thôn Ấp Đồn, Yên Lãng, thế nhưng, niềm mong mỏi đó của bà Tùy đã phải "nằm im" nhiều năm nay. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của gia đình bà Tùy cũng như các hộ dân khác được giao đất.
“Đất đã được nhà nước thu hồi để phục vụ làm dự án khu công nghiệp nhằm mục đích phát triển kinh tế cho địa phương. Dự án này cũng đã được triển khai lấy ý kiến của quần chúng nhân dân và thi công hạ tầng, thế nhưng đã rất nhiều năm nay vẫn “nằm im bất động”. Nhìn những mảnh đất màu mỡ, hái ra tiền nằm cạnh khu công nghiệp samsung hiện đại bậc nhất Việt Nam bỏ lãng phí khiến chúng tôi rất tiếc mà không làm gì được, chỉ mong sớm có phương án để người dân bớt khổ”- bà Tùy chia sẻ.
Còn ông Vũ Văn Toàn (57 tuổi ở thôn Trần Xá) cho biết, gia đình ông đang lâm cảnh khốn khó với khoản vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để nộp tiền vào làm hạ tầng đất DCDV thôn Trần Xá do UBND xã Yên Trung làm chủ đầu tư. Hàng tháng, ông Toàn phải nộp số tiền lãi cho ngân hàng là 4 triệu đồng, cộng thêm không có công ăn việc làm ổn định khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn khi không có khả năng chi trả, thậm chí nguy cơ có thể bị ngân hàng siết mất nhà lúc nào không hay.
“Dự án thì bỏ hoang, đắp chiếu, con cái thì đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà không có lấy một mảnh đất sinh sống, phận làm cha mẹ như tôi cảm thấy rất đau xót. Giờ đây chỉ mong các cấp chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh, huyện Yên Phong sớm có những phương án tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ của dự án chứ không như thế này mãi người dân chúng tôi đau xót quá.”- ông Toàn nghẹn ngào nói.
Bà Lương Thị Thắm cùng ở thôn Trần Xá cho biết: "Mộ chồng tôi đang nằm trong khu đất DCDV này nhưng hiện tại vẫn chưa có cán bộ của xã đến thực hiện công tác bồi thường, di dời mộ chồng tôi ra chỗ khác. Dân chúng tôi khao khát nhờ cấp trên về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện dự án, để chúng tôi có chỗ ăn ở, làm ăn...chứ hiện giờ con cái chúng tôi đã không còn ruộng lại không có công ăn việc làm nên cuộc sống gia đình rất khó khăn."
Ông Nguyễn Văn Mạnh, 78 tuổi ở thôn Trần Xá, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, quy hoạch Dự án đất DCDV thôn Trần Xá, xã Yên Trung được triển khai từ năm 2010 và được UBND xã phổ biến, tuyên truyền, chính sách về đất dân cư dịch vụ theo hướng công khai dân chủ, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Cuộc họp được tổ chức vào ngày 13/9/2010 do ông Nguyễn Xuân Giới làm Trưởng thôn chủ trì, ông Mạnh được bà con nhân dân bầu ra làm thư ký hội nghị. Tại hội nghị, người dân được lắng nghe phổ biến việc thu hồi 44,9ha đất nông nghiệp và được nhận lại 10% đất dân cư dịch vụ, cộng thêm các điều khoản về làm hạ tầng dịch vụ theo đúng quy định pháp luật.
"Việc triển khai thu để làm dự án hạ tầng đất DCDV là vậy, nhưng xong nhiều năm đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang "đắp chiếu" một chỗ khiến nhân dân thôn Trần Xá không khỏi chua xót. Mong rằng các cấp có thẩm quyền sớm có biện pháp, tháo gỡ “nút thắt” để người dân có phần đất của mình để kiếm kế sinh nhai, chứ không chúng tôi cũng khổ quá."- ông Mạnh than thở.
Sớm có biện pháp tháo gỡ
Là nguyên Trưởng thôn Trần Xá, ông Nguyễn Xuân Giới cũng bày tỏ sự trăn trở cho biết, năm 2016 dự án bắt đầu tiến hành đi vào thi công xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các cấp từ chính quyền địa phương có nhận được đơn thư khiếu nại của nhiều hộ dân có diện tích bị thu hồi liên quan đến dự án. Chính vì vậy, dự án không thực hiện được và phải bỏ không cho đến hiện nay.
"Hiện tại theo nguyện vọng của đại đa số người dân xã Yên Trung chỉ mong các cấp có thẩm quyền sớm có những phương án tháo gỡ, nhằm đảm bảo quyền lợi chi trả cho người dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Còn các gia đình đâm đơn khiếu kiện cũng nên nhìn lại vì mục đích chung về sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương", ông Nguyễn Xuân Giới cho biết thêm.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Huynh – Chủ tịch UBND xã Yên Trung ( huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, dự án đất DCDV thôn Trần Xá được chia thành 02 khu. Khu số 1 có diện tích khoảng 8,8ha, diện tích phân là 355 lô; khu số 2 là 77; tổng cả 2 khu là 432 lô.
“Đối với khu số 1: Do Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Nam Thắng và Công ty Xây dựng và thương mại Đức Việt thi công. Hiện nay, dự án mới triển khai trên phần diện tích khoảng 5,5ha/8,8ha có mặt bằng. Đối với Khu số 2 do liên danh Công ty đầu tư phát triển nhà Bắc Ninh và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Trung đã thi công đào hữu cơ nền đường đạt 85%; đào húc tuynel kỹ thuật đạt 100; đúc bó vỉa đạt 100%; cống thoát nước nhà thầu đã đặt hàng khi có mặt bằng sẽ vận chuyển đến công trường thi công”- ông Huynh thông tin.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết, việc khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện dự án DCDV tại địa phương là khâu giải phóng mặt bằng. Hiện mặt bằng của dự án vẫn còn một số hộ dân thôn Trần Xá không nhận tiền đền bù vì cho rằng giá đền bù thấp do vậy không cho chủ đầu tư thi công xây dựng. Hiện nay, UBND xã Yên Trung đang tập trung tuyên truyền vận động một số hộ dân thôn Trần Xã chưa nhận tiền để bản giao mặt bằng thi công xây dựng đồng ý nhận tiền đền bù theo phương án đã được UBND huyện Yên Phong phê duyệt. Khi thực hiện xong việc này thì dự án mới được thực hiện, người dân mới được nhận quyền lợi của mình.