Người đặt nền móng xây dựng Sở Thú cổ giữa lòng TPHCM

18/12/2023, 08:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Được xây dựng vào năm 1864, Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Quận 1, TPHCM) là một trong 8 vườn thú cổ nhất trên thế giới.

Louis Pierre sinh ra ở Saint-André, Réunion (Pháp) và theo học ở Paris trước khi phụ trách chăm sóc thực vật trong vườn bách thảo tại Calcutta (Ấn Độ). Theo tài liệu của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Louis Pierre được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Vườn Bách Thảo và là Ủy viên Ủy ban Nông nghiệp và Công nghiệp Nam Kỳ năm 1865.

Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1877, phát triển cơ sở hạ tầng và sưu tập nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm từ nhiều nơi trên thế giới. Louis Pierre cho ươm trồng thành công nhiều loài cây rừng tự nhiên của nước ta và các loài cây thân gỗ du nhập từ châu Phi, châu Mỹ, đặc biệt là các loài cây ăn trái vùng Đông Dương... đã được chăm sóc và thuần nhập tốt vào Việt Nam. Từ đó, một vườn thực vật ra đời và tồn tại đến ngày nay.

Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn (1865 - 1877), ông còn để lại một di sản quý giá nữa, đó là bộ sưu tập hơn 100 nghìn tiêu bản hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM và hàng nghìn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn.

Để ghi công Louis Pierre, tháng 2/1933, Hội đồng Khoa học Pháp cho xây một cột bia bằng đá hoa cương đặt sau khu vườn kiểng. Trên mặt cột bia, ghi lại câu nói của ông trước khi qua đời: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật, chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi”.

Năm 1994, nhân kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cột bia đã được tôn tạo và đặt ngay trên trục đường chính, giữa Bảo tàng lịch sử và Đền thờ các vua Hùng. Lần này, cột bia có gắn thêm bức tượng bán thân bằng đá hoa cương màu hồng, tạc hình J.B. Louis Pierre.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nhân giống sinh sản trên những loài chim, thú quý hiếm. Trong ảnh là loài trĩ sao (con trống). Ảnh: SaiGonZoo.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nhân giống sinh sản trên những loài chim, thú quý hiếm. Trong ảnh là loài trĩ sao (con trống). Ảnh: SaiGonZoo.
Một con hươu cao cổ trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: SaiGonZoo.
Một con hươu cao cổ trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: SaiGonZoo.

Hàng nghìn loài thú, cây quý hiếm

Được xây dựng cùng lúc với Bưu điện TPHCM, Nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành, Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xem như một chứng nhân của lịch sử, đi qua những thăng trầm của con người và vùng đất này.

Là một trong những công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất TPHCM, Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố. Sức sống bền bỉ cùng những giá trị văn hóa đặc trưng đã mang đến cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn một sắc thái riêng biệt và không thể nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào khác.

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan hàng năm. Để phục vụ lượng du khách ngày càng tăng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn liên tục nâng cấp và xây mới khuôn viên với nhiều hạng mục công trình như: Đầu tư xây dựng kè đá dọc kênh Thị Nghè, cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống dây điện trần, xây dựng tường rào dọc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cải tạo và mở rộng các chuồng thú cho phù hợp với đời sống sinh thái của từng loài thú. Năm 1990, Thảo Cầm Viên Sài Gòn trở thành thành viên chính thức của hiệp hội các vườn Đông Nam Á (SEAZA).

Gần 160 năm xây dựng và phát triển, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã trở thành một trong những vườn thú lớn nhất nước. Về động vật, nơi đây hiện có 7 lớp với hơn 1.000 cá thể gồm hàng chục loài có vú, hàng chục giống chim, nhiều giống bò sát và giống có cánh các loại, như: Khỉ, gấu ngựa, gấu chó, hổ Đông Dương, hổ Bengal, báo hoa mai, báo lửa, sư tử, tinh tinh, ngựa vằn, linh dương, hươu, nai, heo rừng, mang, nhím….

Các loài thực vật phong phú với hơn 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích 20 ha. Trong đó có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, vào hàng quý hiếm nhất Việt Nam.

Ngoài việc nhân giống và bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn tổ chức các hoạt động giáo dục về cách bảo vệ môi trường thiên nhiên, nghiên cứu về động thực vật và tạo sân chơi mang tính giáo dục cao cho tất cả mọi người và là nơi nghiên cứu cho các nhà khoa học.

Bên cạnh công tác chăm sóc và bảo vệ các giống loài động thực vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc cạn kiệt, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn nhân giống thành công các loài động thực vật quý hiếm nhằm gia tăng số lượng cá thể các loài này và thông qua đó, góp phần bảo tồn nguồn gen và duy trì sự đa dạng của các loài trong tự nhiên.

Hiện, Thảo Cầm Viên Sài Gòn và các tổ chức quốc tế có mối liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục, bảo tồn và nghiên cứu về tự nhiên như: Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA), Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Hiệp hội Vườn thú và Hồ cá Thế giới (WAZA), Tổ chức Quản lý loài Quốc tế (ISIS), Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA)… Đây là nền tảng vững chắc để Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp tục thực hiện các dự án bảo tồn và nghiên cứu thiên nhiên của mình.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dat-nen-mong-xay-dung-so-thu-co-giua-long-tphcm-post664758.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dat-nen-mong-xay-dung-so-thu-co-giua-long-tphcm-post664758.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đặt nền móng xây dựng Sở Thú cổ giữa lòng TPHCM