Ví dụ, trong cuốn hồi ký của mình, Steve Wozniak viết: “Hầu hết các nhà phát minh và kỹ sư mà tôi từng gặp đều giống tôi - họ nhút nhát và sống trong thế giới của riêng mình. Họ gần giống như những nghệ sĩ. Trên thực tế, người giỏi nhất trong số họ là những nghệ sĩ. Và các nghệ sĩ làm việc tốt nhất một mình khi họ có thể kiểm soát tác phẩm của mình mà không cần nhiều người khác”.
Người hướng nội không nhất thiết phải tập trung vào việc đạt được quyền lực hoặc trở thành trung tâm của sự chú ý. Theo Susan Cain, tác giả cuốn Quyền lực thầm lặng: “Về bản chất, người hướng nội có xu hướng đam mê một, hai hoặc ba điều trong cuộc sống của họ… Và để phục vụ niềm đam mê nồng cháy của mình, họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để biến điều đó thành hiện thực. Là doanh nhân, họ tập trung vào lợi ích của công ty hơn là vinh quang cá nhân”.
Các tỷ phú trong top giàu nhất thế giới hiện nay hướng nội nhiều hơn hướng ngoại
Nhìn chung, người hướng nội rất giỏi lắng nghe và đồng cảm với mọi người. Đặc điểm này đặc biệt có giá trị khi giao tiếp với khách hàng và nhân viên khi việc lắng nghe và đặt những câu hỏi phù hợp là điều cần thiết. Người hướng nội không nói trừ khi họ có điều gì đó đáng nói và giữ được bình tĩnh giữa lúc hỗn loạn. Lùi lại một bước để quan sát và phân tích tình huống là điểm mạnh của họ.
Bên cạnh việc là người biết lắng nghe, các doanh nhân hướng nội luôn tìm kiếm những giải pháp tốt nhất. Điều đó có nghĩa là họ có thể gạt cái tôi của mình sang một bên và xem xét ý kiến của người khác khi đưa ra quyết định.
Trong khi người hướng ngoại có xu hướng được mọi người vây quanh thì người hướng nội lại tận hưởng thời gian ở một mình. Ở một mình giúp họ có thời gian để bình tĩnh xử lý và phân tích vấn đề rồi lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo. Khả năng trân trọng những khoảnh khắc cô đơn cũng rất hữu ích trong những năm đầu khởi nghiệp, khi họ không tránh khỏi những khoảng thời gian dài làm việc một mình.
Mặc dù tính hướng ngoại gắn liền với khả năng lãnh đạo nhưng người hướng ngoại chưa chắc đã trở thành những ông chủ tốt nhất. Nghiên cứu mang tính đột phá do giáo sư Adam Grant của Đại học Wharton thực hiện đã tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo hướng nội có cách quản lý nhân viên tốt hơn so với những người hướng ngoại. Bởi vì họ không tìm kiếm sự chú ý, những người quản lý hướng nội sẵn sàng để những nhân viên của họ tỏa sáng và nêu ý kiến. Trong khi người hướng ngoại có thể bị chệch hướng trong việc tìm kiếm sự công nhận, thì người hướng nội lại làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ nhóm của họ và khiến những người có thành tích xuất sắc nhất cảm thấy được trân trọng.
Nguồn: Forbes