Ông ghi lại cảnh họp cán bộ trước ngày hành quân, đại hội quân nhân bàn kế hoạch đánh trận Đồng Xoài (1965), khoảnh khắc chiến sĩ bắn hạ máy bay F1 ở đồn điền Thuận Lợi. Bên cạnh đó còn có cảnh miêu tả xóm làng sau khi bị bom đạn đối phương đánh phá, cảnh rừng cao su hoang tàn vì chất độc hóa học...
Ký họa của Trang Phượng cũng có các chân dung chiến sĩ lập công, như dũng sĩ diệt Mỹ Lê Ngọc Dân (tiểu đoàn Phú Lợi), Huỳnh Văn Hải (Củ Chi), Mai Văn Thắng (trận Bình Giã), Minh Trang (Bến Tre)… Cảnh sinh hoạt dưới địa đạo Củ Chi, công nhân đồn điền cao su chuốt chông chống Mỹ...
Tác phẩm 'Điểm dừng quân' của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. |
Song hành cùng triển lãm của họa sĩ Trang Phượng, triển lãm “Bên chiến hào” của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng được tổ chức, trưng bày 97 tác phẩm ký họa tiêu biểu chưa từng công bố vẽ tại chiến trường trong khoảng thời gian từ năm 1963.
Trong 97 bức tranh, có 82 bức ký họa chân dung là những bà má Nam Bộ, cán bộ chiến sĩ, nữ biệt động, chị nuôi, xạ thủ. 15 bức ký họa sự kiện lịch sử, trên trận địa, cảnh sinh hoạt trong chiến khu.
Thời kỳ này, các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải phóng vừa chiến đấu vừa sáng tác rồi triển lãm ngay bên chiến hào, những bức ký họa được treo trên dây dọc theo một đoạn đường hành quân, người đi đầu sẽ thực hiện nhiệm vụ treo tranh và người cuối cùng sẽ gom tranh đem về căn cứ. Đó cũng là lý do mà gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông chọn tên cho triển lãm là “Bên chiến hào”.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông vốn nổi tiếng với những bức ký họa thời chiến. Trải qua hai cuộc kháng chiến, số ký họa của ông lên đến 20.000 bức. Trong mọi cuộc hành quân, trên mọi chiến trường và trong mọi cuộc chiến, ông luôn mang theo thuốc nước, bút chì, giấy để sẵn sàng… vẽ.
'Củ Chi đất thép' - ký họa của họa sĩ Trang Phượng. |
Các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải phóng vừa chiến đấu vừa sáng tác rồi triển lãm ngay bên chiến hào. |
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định, họa sĩ Huỳnh Phương Đông có cái mà người Pháp gọi là “coup de crayon” (nét phác để đời). Nét bút của ông có cái gì đó rất vững vàng, mạnh mẽ mà dâng đầy xúc cảm.
Trong hồi ký, cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông viết: “Tôi vẽ chân dung hàng trăm bè bạn và đồng chí. Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ”.
Có thể nói, những nét ký họa của những người lính – họa sĩ trong cuộc kháng chiến của dân tộc đã góp phần thúc đẩy tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân ta. Nếu như không có ký họa kháng chiến, hẳn thế hệ trẻ sẽ khuyết đi một hiểu biết rất sinh động trong quá khứ.
Điều may mắn khi có những chiến sĩ là những họa sĩ đã “hóa thạch” từng khoảnh khắc của cuộc chiến để ngày nay, chúng ta thấy được những góc nhìn thật đẹp, thật bình dị của thế hệ trước – những người đã tạo lập hòa bình cho ngày hôm nay.