(Ảnh minh họa).
Cầm cự đến mùng 2, thấy vợ ngày càng tiều tụy, ông và các con mới đưa bà đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh thiếu máu thiếu sắt nặng, chỉ số tiểu đường và mỡ máu cao gấp ba lần bình thường. Bác sĩ nói trường hợp bà H., nếu nhập viện kịp thời có thể chỉ cần nhận đơn thuốc về uống. Nhưng do đến viện muộn, sức khỏe suy yếu, các chỉ số đều ở mức nguy hiểm, buộc phải nhập viện điều trị biến chứng.
Một trường hợp tương tự cũng bị bệnh nặng hơn chỉ vì tâm lý e ngại kiêng kỵ “xông đất” bệnh viện đầu năm.
Anh C.V.H - người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Anh trai tôi vốn nghiện rượu và mắc bệnh xơ gan từ lâu. Trong những ngày Tết bệnh lại càng nặng thêm, vì uống rượu nhiều. Nhưng do kiêng không đi bệnh viện những ngày đầu năm, nên hôm mùng 4 Tết đưa vào viện, anh ấy đã trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, bị hôn mê sâu và tình trạng sức khỏe rất xấu. Giá mà anh được đưa vào bệnh viện sớm hơn thì tình trạng đã không trầm trọng đến vậy”.
Những câu chuyện đáng buồn trên xuất phát từ tâm lý “kiêng” khám bệnh trong những ngày đầu xuân để tránh xui. Đây cũng là một trong những quan niệm dân gian đã không còn phù hợp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.
Chuyên gia lên tiếng cảnh báo và lời khuyên bảo vệ sức khỏe
Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch chỉ vì tâm lý “chờ hết Tết rồi tính sau”.
Nguy hiểm là vậy, nhưng với những người mắc bệnh mạn tính, Tết thường là khoảng thời gian "lơ là" việc uống thuốc và sinh hoạt theo quy định. Có bệnh nhân bỏ hẳn chế độ điều trị, đó chính là nguyên nhân gia tăng số bệnh đến khám và nhập viện sau mỗi dịp Lễ/ Tết.
Thậm chí, không ít gia đình chuẩn bị sẵn kháng sinh trong nhà, cứ thấy hắt hơi, sổ mũi, đau họng hay bụng ậm ạch... là uống. Tình trạng “tự làm bác sĩ” kéo dài không chỉ khiến các triệu chứng không thuyên giảm mà còn tăng nguy cơ gây hại cho cơ thể.
Đưa ra nhận định về vấn đề này, TS.BS Ngô Chí Cương, chuyên gia truyền nhiễm cho biết, việc kiêng kỵ ngày Tết khi có bệnh không đi khám là điều không nên, bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị”.
Để tránh việc “hối hận thì đã muộn” do ngại đến bệnh viện, TS.BS Ngô Chí Cương khuyến cáo khi đau ốm, hoặc có bất thường sức khỏe, người bệnh không được tự ý dùng thuốc tại nhà, hay kiêng đến bệnh viện khám đầu năm vì sợ xui xẻo mà nên đến ngay cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp, kịp thời, tránh những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.