Viết xong bài khóa luận lần thứ hai, tôi tự tin thưởng cho mình chuyến về quê dài cả tuần. Lên Hà Nội tôi hân hoan đến gặp thầy.
“Nào ngồi xuống đây. Chắc mải về quê nên viết phứa có phải không? Viết dài và ẩu. Chương I và chương II phải rút thật gọn lại”, sự tự tin của tôi xẹp xuống ngay sau lời nhắc nhở dù rất nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc của thầy.
Hì hục rút gọn từ gần 200 xuống 60 trang viết tay, tôi ngập ngừng đến gặp thầy. Thầy cười thật hiền mà rằng: “Phải thế chứ. Mà có vừa viết vừa lẩm bẩm không? Rõ ràng ban đầu thầy bảo cứ viết thoải mái, viết hết những gì em muốn rồi lại kêu ngắn lại? Nhưng, em có thấy viết dài đã khó, viết ngắn càng khó gấp bội không?”
Rồi thầy lật từng trang: “Chữ “cứu cánh”, em dùng ở đây không được. “Cứu cánh” có nghĩa là “mục đích cuối cùng”, em lại dùng nó với ý nghĩa: “dựa vào, nhờ vào”. Trước khi đặt bút viết phải nghĩ độc giả là những người thông minh, họ luôn hiểu được mọi điều mình viết…”.
“Ông đồ nho” Nguyễn Kim Đính đã nghiêm khắc nhắc nhở, chỉ bảo từng chữ cho tôi như thế. Ngày còn nhỏ, thầy được người bác ruột uyên thâm chữ Hán học, dạy thông làu: “Tam tự kinh”, “Luận ngữ”, “Trung dung”… Đến khi làm nghề giáo, thầy luôn hiểu “tôn sư trọng đạo” là trước hết người thầy phải sống sao cho đúng đạo thì sau mới có được những người trò vì trọng cái đạo của thầy mà tôn sư.
Bảo vệ tốt nghiệp xong, tôi đến thăm thầy. Chẳng biết hôm nay thầy có nhà không? Vừa dắt xe đạp lên cầu thang tôi vừa hồi hộp. Nhưng nhìn kìa, cửa sổ căn phòng thầy vẫn mở: “Vào đi em. Gớm sao mà tóm tắt dài những 9 trang thế” – Thầy đón tôi bằng lời trách cứ ấy.
Đúng là tôi đã “ăn gian” khi tóm tắt bài khóa luận mà cho nhỏ cỡ chữ và để lề bé hơn so với tiêu chuẩn nên bị chính thầy “bắt lỗi” ngay tại buổi bảo vệ. Nhưng điều này không liên quan đến việc một mình thầy hạ bút không cho tôi điểm tuyệt đối.
“Điểm 10 biểu đạt sự hoàn hảo nhưng dễ sinh lòng thỏa mãn, kiêu ngạo mà thầy muốn em tiếp tục vươn tới chứ không chỉ dừng lại ở một con số tròn trịa. Hãy dũng cảm bước tới ước mơ, em nhé”, thầy chân thành giải đáp và khích lệ ánh nhìn của tôi như thế.
Minh họa/INT |
***
Chính thức nhận công việc đầu đời, tôi đến thăm thầy và báo tin. Vẫn giọng nói trầm ấm, vẫn gương mặt hiền từ, vẫn ánh mắt trìu mến, chỉ có dáng hình của thầy gầy hơn, hiện ra ở khung cửa. Năm đó, thầy đã ngoài tuổi 70.
Thầy vồn vã chúc mừng: “Thế là tốt. Cố gắng lên em nhé!”. Ngay sau đó, giọng thầy trầm lặng:
“Thầy lấy câu thơ của Xiđôrenkô tặng em:
Hát gì thì hát…
Làm gì thì làm…
Đừng làm bẩn dơ bông tuyết đầu mùa!
Bông tuyết đầu mùa ấy là bài khóa luận đầu tiên, công việc đầu tiên, bài viết đầu tiên và tất cả những gì là đầu tiên của em… Hãy biết nâng niu, giữ gìn, em nhé!. Thầy tặng em điều giản dị ấy thôi”.