Sân khấu tái hiện manh nha được giới thiệu ở nước ta từ năm 2012, nhưng tới năm 2017 sau khi Viplayback được thành lập thì loại hình này mới bắt đầu được chú ý. Nhóm cũng được biết đến là đoàn sân khấu đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội theo đuổi thử nghiệm thể loại sân khấu tái hiện.
Nòng cốt của nhóm là 4 cô gái trẻ: Minh Thư, Họa My, Thu Thủy và Kim Ngọc. Họ gắn kết với nhau bởi cùng chung mối quan tâm với những vấn đề xã hội, cùng mong muốn thông qua những câu chuyện đời sống được chia sẻ trên sân khấu để hướng tới sự lắng nghe và thấu cảm giữa mọi người.
Từ Viplayback, nhiều nhóm kịch ứng tác ra đời và hoạt động khá sôi nổi như: CLB kịch ứng tác Hà Nội, Trung tâm Kịch ứng tác Việt Nam, High Club và một số nhóm nhỏ tại Đà Nẵng, TPHCM.
Trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) có một sân khấu nhỏ The Rotten Grapes. Đây là nơi mà nghệ sĩ Lê Hoàng Long và nhóm Tông Lào thường xuyên biểu diễn các tiết mục vui nhộn, sâu sắc theo phong cách ngẫu hứng.
Một “nhánh” của kịch ứng tác là “hài độc thoại” cũng được thành lập tại TPHCM với tên gọi Sài Gòn Tếu kèm theo slogan “Chân thật, Lạc quan và Lành mạnh”.
Nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trước khán giả và kể những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó, thông qua tiếng cười sẽ gửi đến khán giả thông điệp tốt đẹp về đời sống cộng đồng.
Những buổi diễn của Sài Gòn Tếu thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là người trẻ. Và hàng ngày, hàng tuần những video hài hước của những buổi diễn lại được nhóm đưa lên mạng xã hội nhằm lan rộng tiếng cười hài hước.
Có thể nói, dù xuất hiện và thực hành ở Việt Nam chưa lâu nhưng sân khấu kịch ứng tác đã đem lại những hiệu ứng bất ngờ. Nhiều sân khấu do không gian nhỏ hẹp nên phải thông báo số lượng có hạn trước mỗi buổi diễn, nhiều buổi diễn phải hạn chế đối tượng tham gia, nhưng sự hào hứng của người trẻ với kịch ứng tác vẫn không hề giảm.
Nhiều bạn trẻ còn tham gia các lớp đào tạo, tìm hiểu sâu loại hình sân khấu ứng tác. Từ những buổi học, họ thêm cơ hội hiểu biết về nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật ứng tác nói riêng.
Và quan trọng, từ nghệ thuật kể và dẫn dắt câu chuyện, mỗi người có thêm một bài cho bản thân từ những trải nghiệm lành mạnh của nghệ thuật.
“Sau hơn 6 năm thực hành, mình nhận ra thứ đã “cứu sống” mình qua mọi thời kì, đó là “những câu chuyện”. Câu chuyện của mình, của những người bạn, của khán giả, của những người thầy… những câu chuyện nhảm nhí nhất, hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất. Khi được chia sẻ và được lắng nghe, chúng mình được sống, giống như được hít thở một bầu không khí luôn được tái tạo liên tục bởi những người khác nhau, vì thế mà nó thật sự trong lành”, nghệ sĩ Họa My - người đồng sáng lập Viplayback.