Theo Sở Xây dựng TP.HCM, mô hình hộp ngủ tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ, rủi ro về tính mạng khi xảy ra sự cố
Theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, mô hình hộp ngủ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Mô hình này phát sinh sau khi công trình nhà ở đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng. Đồng thời, việc chuyển giường ngủ truyền thống thành các giường ngủ dạng hộp thường là các hộp ngủ bằng gỗ, nhựa hoặc các giường tầng bằng sắt dạng lắp ráp, không phát sinh việc xây dựng, sửa chữa. Chính vì vậy, việc kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan công trình cho thuê phòng, giường ngủ dạng hộp ngủ do UBND cấp xã thực hiện.
Cháy nổ rình rập
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM, đánh giá mô hình hộp ngủ hiện đang nở rộ tại nhiều TP lớn, trong đó TP.HCM do nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao. Tuy nhiên, mô hình này rất dễ gây ra cháy nổ.
Với không gian nhỏ hẹp, lại chứa nhiều đồ đạc của các hộp ngủ càng khiến nguy cơ cháy nổ với mô hình này là rất lớn. Ảnh NGUYỄN CHÂU
Theo ông Xiêm, điều dễ nhận thấy ở mô hình này là các vật dụng tạo ra vách ngăn đa số làm bằng gỗ hoặc nhựa, đây đều là những vật dụng rất dễ cháy. Một trong những nguy cơ dễ gây cháy nổ của mô hình này nữa là nơi đây tập trung quá nhiều người sinh sống. Vì vậy, các thiết bị điện tử càng tăng lên rất nhiều.
“Người dân, sinh viên bây giờ đều dùng điện thoại, máy tính, dây sạc, tai nghe…Chỉ cần bất cẩn hoặc sử dụng quá tải đường dây là có thể gây chập điện. Bên cạnh đó còn có quần áo, nệm, giấy từ sách vở, rất khó lường trước được nguy cơ"- ông Xiêm nói.
PGS.TS Ngô Văn Xiêm phân tích thêm, lối đi của những dạng hộp ngủ này rất nhỏ hẹp, nếu không may xảy ra cháy nổ thì người bên trong rất khó thoát hiểm. Hơn nữa, khi xảy ra cháy, mọi người đang ở trong hộp ngủ bít bùng liệu có nghe được báo cháy để thoát thân hay không, khi hoảng loạn liệu có đủ bình tĩnh để xử lý hay không?
"Theo tiêu chuẩn xây dựng, trong một căn phòng được quy định rất rõ về hướng cửa, phải mở ra bên ngoài, chiều rộng của lối thoát nạn cũng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn. Nhiều nơi tận dụng tối đa diện tích để sử dụng mà không quan tâm đến tiêu chuẩn, quy chuẩn này"- ông Xiêm dẫn chứng.
Bên trong một hộp ngủ. Ảnh NGUYỄN CHÂU
Chính vì vậy, ông Xiêm đánh giá, mô hình hộp ngủ là rất nguy hiểm về mặt cháy nổ, cần phải cân nhắc không cho phép hoạt động nếu không đảm bảo an toàn. Theo đó, các công trình đưa vào kinh doanh dạng hộp ngủ không đáp ứng điều kiện về an toàn PCCC như: Không đảm bảo điều kiện có đủ hai lối thoát hiểm, hay đường thoát nạn không đảm bảo cho lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp cận hiện trường... . Ông Xiêm cho rằng, các trường hợp này thì phải kiên quyết dừng hoạt động.
Hàng ngàn chỗ ngủ không an toàn
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cuối năm 2023, Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp UBND quận, huyện, phường, xã và công an khu vực thống kế các dự án, công trình có căn hộ, phòng, giường cho thuê dạng hộp ngủ ở TP.HCM.
Theo đó, sở ghi nhận có khoảng 67 công trình nhà ở riêng lẻ có kinh doanh cho thuê loại hình này. Trong đó, 58 công trình với tổng cộng số phòng, giường cho thuê khoảng 2.165 chỗ ngủ (chín công trình không kiểm tra được do chủ nhà đóng cửa).
"Sở Xây dựng nhận thấy loại hình này có số lượng người sinh sống tập trung đông trong một không gian hẹp, không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC. Đồng thời tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro về tính mạng khi xảy ra sự cố về cháy, thoát hiểm."- Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Theo sở này, phần lớn các công trình có phòng, giường cho thuê dạng hộp ngủ được chủ thuê lại một nhà ở riêng lẻ sau đó phân chia, ngăn thành các hộp ngủ. Đa số các căn nhà này đã hoàn thành xây dựng và được cải tạo bên trong thành hộp ngủ dạng lắp ráp, không phát sinh việc xây dựng, sửa chữa.
Cũng theo Sở Xây dựng, căn cứ Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP thì công trình xây dựng sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ chuyển UBND cấp xã để tiếp tục theo dõi, giám sát. Trường hợp phát sinh vi phạm trật tự xây dựng, UBND cấp xã lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định. Do đó, việc kiểm tra công trình cho thuê phòng, giường ngủ dạng hộp ngủ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng là do UBND cấp xã thực hiện.
Thời gian qua, UBND TP đã có nhiều văn bản triển khai, giao các quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với loại hình nêu trên.
Kiên quyết đình chỉ các cơ sở kinh doanh nhà ở vi phạm Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng đã ký văn bản yêu cầu Công an TP chủ trì, phối hợp hướng dẫn các sở, ban, ngành, các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, phân loại, kiểm tra, đánh giá việc khắc phục các tồn tại, vi phạm quy định pháp luật về PCCC của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý, chủ hộ gia đình, người đứng đầu cơ sở các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, không thực hiện các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC. Sở Xây dựng TP được chỉ đạo tăng cường phối hợp, hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Trong đó có hoạt động cấp phép, bảo đảm trật tự xây dựng, đối với các công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi công năng thành các cơ sở tập trung đông người, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng của các địa phương. Kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Chủ tịch các địa phương phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu để các công trình không được cấp phép hoặc xây dựng không đúng quy định, kinh doanh không phép, trái phép, không được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC của cơ quan có thẩm quyền nhưng đã đưa vào hoạt động và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng" – văn bản nêu rõ. |