Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công nhưng không đưa ra bằng chứng. Israel không phủ nhận, cũng không lên tiếng nhận trách nhiệm về cái chết của ông Fakhrizadeh.
Tháng 12/2020, ông Ali Fadavi – phó Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – cho biết, ông Fakhrizadeh bị ám sát bằng súng máy tự động được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo (AI).
“13 phát đạn được bắn. Khẩu súng chỉ nhắm vào ông Fakhrizadeh. Vợ ông Fakhrizadeh không bị bắn, dù ngồi cùng xe và chỉ cách vài cm. Đội trưởng nhóm bảo vệ ông Fakhrizadeh cũng bị bắn 4 phát do dùng thân đỡ đạn”, ông Fadavi nói.
Theo ông Fadavi, có 11 vệ sĩ hộ tống vợ chồng ông Fakhrizadeh, nhưng họ không ngăn được vụ tấn công.
Không có vụ bắt giữ nào sau khi ông Fakhrizadeh bị ám sát. Vụ việc được cho là thất bại tình báo đối với Iran – quốc gia có năng lực quân sự xếp hạng 14 thế giới và xếp thứ nhất ở khu vực Trung Đông (theo xếp hạng năm 2024 của Global Fire Power).
Theo Global Fire Power, sức mạnh quân sự của Israel xếp thứ 17 thế giới và xếp thứ 2 ở Trung Đông.
Sau vụ ông Fakhrizadeh bị ám sát, Iran đã cảnh báo sẽ trả thù “sấm sét” nhằm vào Israel, nhưng đến nay chưa có hành động gì.
Mossad đứng sau hàng loạt vụ ám sát nhằm vào các nhà khoa học?
Mossad được cho là có lịch sử lâu dài trong các vụ ám sát nhằm vào những nhà khoa học, chuyên gia vũ khí của nước đối thủ - những người được cho là có thể gây ra mối đe dọa đối với Israel, theo Daily Mail.
Năm 1952, nhà khoa học nghiên cứu nguyên tử người Ai Cập, Sameera Mousa, bị ám sát ở Mỹ. Năm 1980, nhà khoa học hạt nhân Yehya Al Mashad (người Ai Cập) bị ám sát ở Paris (Pháp). Năm 1989, nhà vật lý Sayed Bdeer (người Ai Cập) bị ám sát ở thành phố Alexandria (Ai Cập).
Năm 1990, ông Gerald Bull – kỹ sư tên lửa người Canada, hợp tác phát triển vũ khí với Ai Cập – bị ám sát ở Bỉ.
Năm 2012, nhà khoa học hạt nhân Iran Mostafa Ahmadi Roshan bị ám sát trong một vụ nổ bom xe.
Năm 2016, chuyên gia máy bay không người lái Mohamed Zouari của Tunisia bị ám sát. Ông Zouari khi đó đang hợp tác phát triển vũ khí với Hamas.
Năm 2018, ông Aziz Asbar – nhà khoa học tên lửa hàng đầu Syria – bị ám sát trong một vụ nổ bom xe.
Các vụ ám sát này bị nghi do Mossad thực hiện, theo New Arab.
Năm 2018, chuyên gia năng lượng và tên lửa của Palestines – ông Fadi al-Batsh – bị bắn 10 phát đạn, trong đó có 4 phát vào đầu ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
“Một nước thù địch với Palestines chịu trách nhiệm cho vụ tấn công”, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia – ông Ahmad Zahid – tuyên bố.
Iran “thanh toán" điệp viên Mossad
Trước các vụ ám sát nhằm vào các nhà khoa học, Iran không ngồi yên.
Ngày 15/5/2012, Văn phòng công tố Tehran (Iran) thông báo, MaJid Kamali Fashi – gián điệp của Mossad – đã bị thi hành án tử hình. Fashi cũng bị cáo buộc đã ám sát ông Masoud Ali Mohammad, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran.
Ngày 21/5/2022, Iran thi hành án tử hình đối với người đàn ông tên Ahmad Reza Djalali (người Iran gốc Thụy Điển) vì tội làm gián điệp cho Israel.
Ngày 17/12/2023, IRNA đưa tin, một điệp viên của cơ quan tình báo Israel Mossad đã bị hành quyết trong nhà tù ở tỉnh Sistan- Baluchestan, đông nam Iran.
Ngày 30/12/2023, Iran tuyên bố thi hành án tử hình đối với 4 người bán thông tin tình báo cho Israel.
_____________
Chỉ huy "lực lượng bóng tối" của Syria bị ám sát theo cách "thần không biết, quỷ không hay". 7 năm sau vụ ám sát, những tình tiết liên quan mới dần được hé lộ. Mời quý độc giả đón đọc bài viết về vụ việc này trong bài kỳ tới, xuất bản lúc 10h sáng 10/3/2024.