Trong quý 2 năm nay, giá sản phẩm thứ cấp ít hơn 20% so với thị trường sơ cấp.
So với cùng kỳ năm ngoái, thì có một số quận, huyện ở Hà Nội có mức giá trung bình sơ cấp giảm như Gia Lâm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh. Trên thị trường thứ cấp thì số lượng quận có mức giá giảm so với cùng kỳ năm ngoái chiếm tỷ trọng nhiều hơn.
Giải thích lý do giá phân khúc biệt thự, liền kề giảm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn- Savills Việt Nam cho rằng do giá bị đẩy lên cao, dự án thiếu tiện ích xã hội (như trường học, chợ..), ở khoảng cách xa với các tiện tích xã hội, giao thông từ dự án vào khu trung tâm không thuận lợi.
Theo bà Hằng, để bán hoặc cho thuê các căn biệt thự, liền kề thành công cần các yếu tố như pháp lý dự án đảm bảo cung cấp được hoặc đã có “sổ đỏ”, giá bán/thuê hợp lý, chất lượng công trình tốt, cảnh quan đẹp, giao thông tiếp cận dễ dàng, tiện ích xung quanh đã có (như trường học, chợ, khu tập luyện thể thao), bệnh viện gần hoặc tiếp cận thuận lợi, chủ đầu tư uy tín.
Bà Hằng cho biết, đến cuối năm 2023, nguồn cung dự kiến sẽ có thêm 695 căn biệt thự, liền kề từ bảy dự án. Quận Tây Hồ sẽ chiếm thị phần nhiều nhất với 24%, tiếp theo là Long Biên với 21% và Gia Lâm với 20% thị phần.
Đường vành đai 4 vừa được khởi công xây dựng, dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển ở các khu vực ngoại thành (Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn, Hà Đông, Thanh Oai, Thanh Trì) và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh. Khi đường Vành đai 4 thông xe vào năm 2027, nguồn cung nhà ở tại các khu vực này được dự báo sẽ tăng 36% so với hiện tại. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho khu vực nội thành với quỹ đất ngày càng hạn hẹp.