Cụ thể hóa trách nhiệm
Vậy làm cách nào để tăng nguồn cung NOXH vừa túi tiền người dân, tăng khả năng tiếp cận nhà cho NLĐ? Ông Ngô Gia Hoàng - Giảng viên khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TPHCM), cho rằng nếu xem chính sách NOXH mang tính chất cứu trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, thì Nhà nước nên thể hiện vai trò chủ lực.
“Nhà nước nên trực tiếp đầu tư NOXH và có những khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho các đối tượng yếu thế, thay vì ưu đãi để khuyến khích tư nhân đầu tư. Cần có một cơ quan quản lý nhà ở để quản lý tập trung, thống nhất từ khâu lập quy hoạch, bố trí quỹ đất, quá trình thực hiện, đến khâu phân phối nhà ở và quản lý vận hành sau khi dự án hoàn thành" - ông Hoàng phân tích.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng về mặt tổng quan, NOXH là một sản phẩm nhà ở, nhà nước phải đóng vai trò để NOXH có giá phù hợp, không phải ban, tặng, cho… NOXH cần các chính sách phù hợp nhất, tùy thu nhập từng địa phương. Nhiều DN đều mong muốn đóng góp cho phát triển NOXH nhưng gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý, nguồn vốn… Vì thế, các gói kích cầu của Chính phủ cần giải quyết được nguồn vốn. Các quỹ vay phải có chính sách hỗ trợ NLĐ cụ thể hơn, vay dài hạn 25-35 năm mới tiếp cận được NOXH.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, để tạo điều kiện đầu tư phát triển NOXH, Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các chính sách hỗ trợ mà nên suy xét, xây dựng thêm những nội dung khác về mức vốn cho vay cũng như thời hạn cho vay theo hướng có lợi hơn cho người hưởng chính sách hỗ trợ. Các gói tài chính nên được kéo dài hơn, tối đa 20 năm hoặc 25 năm, với các mức hỗ trợ tối đa 80% hoặc 85% giá trị hợp đồng, bởi nếu chờ tích lũy đủ tiền để mua, thuê mua NOXH với mức giá như hiện nay thì người có thu nhập thấp gần như không có cơ hội.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, Điều 74 Dự thảo Luật quy định hộ gia đình nghèo và cận nghèo ở khu vực nông thôn là một trong các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, đối với vùng nông thôn thì không nên dựa vào tiêu chí hộ nghèo hay hộ cận nghèo mà phải tính theo tỷ lệ thu nhập trên giá nhà ở trung bình, như thế sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng phương thức tính mức giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng tính bổ trợ của các quy định và tạo điều kiện cho người dân nhận được nhiều lợi ích hơn.
Ông Hậu cho biết ở các nước công nghiệp có quy định về chính sách "đầu tư có trách nhiệm". Do đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng nên có quy định cụ thể trách nhiệm đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Cần phải thể hiện cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận, đơn vị nào có nhiệm vụ lo tài chính, đơn vị nào đóng vai trò là chủ đầu tư, đơn vị nào tìm kiếm và tiếp cận đất đai. Việc quy định rõ cụ thể từng trách nhiệm sẽ hạn chế tình trạng đùn đẩy dẫn đến không ai thực hiện.
Thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp
Theo ông Mai Thanh Tùng - Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TPHCM), có vướng mắc trong công tác phát triển NOXH, nhà ở giá rẻ, trong đó các bước thủ tục đầu tư dự án NOXH còn phức tạp. Theo quy định, nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thực hiện nghĩa vụ NOXH bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng NOXH. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng NOXH thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế. Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án NOXH, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà là chưa ổn định.
Nhiều DN đều mong muốn đóng góp cho phát triển NOXH nhưng gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý, nguồn vốn… Vì thế, các gói kích cầu của Chính phủ cần giải quyết được nguồn vốn. Các quỹ vay phải có chính sách hỗ trợ NLĐ cụ thể hơn, vay dài hạn 25-35 năm mới tiếp cận được NOXH.