“Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam. |
Sau bức tranh thiên nhiên với những cảnh vật được miêu tả cụ thể là không gian đa chiều với khung cảnh trong gian phòng của nhà Sơn. Đây là một không gian thực với hỏa lò, với người mẹ hiền từ, với người vú già và thúng áo ấm. Bên cạnh đó, Thạch Lam đã khắc họa không gian hồi tưởng trong ký ức của những nhân vật trong truyện khi em Duyên còn sống, ấm áp và hạnh phúc.
Hiện thực là cái lạnh bủa vây, hiện hữu nhưng cái hơi mốc của vải gấp lâu ngày trong thúng áo cũ lại như hơi thở của quá khứ, chiếm lĩnh lấy tiềm thức con người. Một nỗi buồn mơ hồ xa xăm đang dần dần hiện về mang theo hình dáng của Duyên, đứa em gái đã mất, làm người vú già ngậm ngùi “lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ” trên cái áo bông đã cũ; Sơn thương em quá, còn mẹ Sơn chỉ yên lặng rơm rớm nước mắt. Cơn gió lạnh đã lật lại một kỷ niệm buồn để se thắt lại nỗi nhớ riêng của từng người trong gia đình.
Những “cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ thổi lăn những chiếc lá lao xao” đã thổi qua miền quá khứ, đưa người đọc về lại hiện thực xã hội, cái hiện thực của xóm chợ nông thôn nghèo với biết bao cảnh đời cơ cực của những con người chân lấm tay bùn mà cái nghèo từ tiền kiếp chưa tan. Nhưng thế giới nhân vật của Thạch Lam không bi thương dữ dội như lão Hạc của Nam Cao hay chị Dậu của Ngô Tất Tố.
Thạch Lam ít nói đến những bế tắc, những bi kịch của mảnh đời oan nghiệt. Những con người cứ lặng yên, lặng yên như quán chợ chơ vơ đìu hiu, như cái nghèo triền miên đeo đuổi không rời qua những đứa trẻ con nhà nghèo như thằng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc…
Đám trẻ ấy đã giương mắt kinh ngạc trước áo ấm của Sơn. Đối với chúng cái áo ấm là điều xa lạ không tưởng. Một đứa tặc lưỡi thèm khát nói: “Chiếc áo này mặc thì nóng lắm! Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít”. Thạch Lam đã phơi trần hiện thực nghèo đói của đất nước trong những năm trước Cách mạng tháng Tám.
Cái lạnh làm cho da thịt bọn trẻ tím lại và thâm đi qua những chỗ rách. “Mỗi cơn gió đến chúng lại run lên, hai hàm răng đập mạnh vào nhau”. Nhìn Sơn, nỗi khao khát thèm muốn cháy bỏng được mặc chiếc áo ấm dâng lên trong lòng chúng.
Thậm chí có đứa còn kể ngày trước thầy chúng cũng có một cái áo ấm nhưng sau đó bán cho ông cụ Lý một cách hồn nhiên, vô tư làm cho người đọc không khỏi xót xa trước sự sa sút gia cảnh của một gia đình, một thế hệ. Nhưng có lẽ, trong cái lạnh lẽo ấy những đứa trẻ vẫn mong chờ một điều gì đó tươi sáng hơn trong cuộc đời mình.
Bút pháp hiện thực thật tinh tế ấy đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc từ trong tận cùng sâu thẳm của trái tim quảng đại. Đó là tư tưởng nhân đạo, là tình người bao la, là thanh nam châm hút mọi thế hệ, trở thành nội dung cốt lõi của mọi tác phẩm văn học chân chính.
Cảm thông sâu sắc nỗi cơ cực của người dân, Thạch Lam đã xây dựng một thế giới con người xích lại gần nhau hơn, truyền cho nhau hơi ấm để xua đi gió lạnh đầu mùa. Sơn và chị Lan đã động lòng thương cái Hiên co ro bên cột quán với áo rách tả tơi. Chính Sơn đã xúc động như ban sáng “nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà”.
Tình thương chân thành ngây thơ trong sáng ấy đã khiến Sơn nảy ra ý nghĩ và bàn với chị Lan về nhà lấy áo bông cũ của Duyên đem cho Hiên. Rồi, “Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”. Đó là ngọn lửa của lòng nhân ái trong sáng, hồn nhiên. Thật khéo léo, nhà văn khắc họa tâm trạng phơi phới niềm vui cứ lan tỏa thấm sâu dần, nó xua đi nỗi lạnh lẽo của gió lạnh đầu mùa không biết tự lúc nào không hay.
Thế giới nhân vật của Thạch Lam là những con người trong sáng hiền hòa, vô tư không vụ lợi, như Sơn khi trao áo cho Hiên, Sơn nào nghĩ đó là kỷ vật mà mẹ Sơn rất trân trọng nâng niu. Trong hồn nhiên tuổi thơ, Sơn nào có nghĩ gì ngoài việc giúp cho Hiên vượt qua cái rét, chỉ đến khi về nhà nghe người vú già nói, chị em Sơn đâm ra lo sợ. Thế là cả hai bỏ cơm đi tìm Hiên để đòi áo.
Thật là tính cách trẻ con, vui đó, buồn đó, cho đó và đòi lại ngay sau đó, rồi khi không tìm được Hiên, cả hai đã trách lẫn nhau. Đến xế chiều, hai chị em lẻn về nhà trong hoang mang lo sợ thì chính truyện đã mở ra một không gian ấm áp thân thương.
Tình huống truyện tiếp theo thật bất ngờ thú vị, mẹ Hiên mang áo trả lại cho mẹ Sơn. Mặc dầu khốn khó, mấy năm làm ăn cật lực không có nổi tiền để mua cho con một cái áo nhưng mẹ Hiên rất giàu lòng tự trọng, không lợi dụng lòng tốt ngây thơ dại dột của Sơn. Rồi cũng chính mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên vay năm hào để mua áo cho Hiên trong niềm san sẻ cảm thông. Cho vay nhưng không phải là cho. Một cách ứng xử tinh tế, nhân văn. Sự phân biệt giàu nghèo chừng như không có chỗ tồn tại trong không gian truyện.
Câu chuyện mở đầu bằng cái lạnh rét mướt và kết thúc trong hơi ấm tình người. Dẫu biết rằng với năm hào đó cũng không thể giúp mẹ con Hiên vượt qua cái nghèo, cái lạnh mùa Đông, song nó vẫn ánh lên nghĩa tình, thắp lên ánh sáng niềm tin dẫu còn mơ hồ. Nhưng có niềm tin ấy cũng là điểm tựa trong hành trình của cõi đời còn nhiều đau khổ. Phải chăng là triết lý mà Thạch Lam muốn xây dựng.
Trái tim nhân hậu của nhà văn đã ước mơ con người xích lại gần nhau, gần nhau hơn nữa và đặc biệt tác giả đã có cái nhìn đầy trân trọng đối với thế giới tuổi thơ, những tâm hồn trong trẻo tuyệt vời, giàu tình thương, không phân biệt đẳng cấp xã hội. Nhà văn như muốn nhắc nhở chúng ta hãy nuôi dưỡng và phát huy lòng nhân ái, hãy sống bằng tình người bao dung.
Truyện ngắn Thạch Lam với một nghệ thuật tinh tế, nhẹ nhàng, vừa hiện thực, vừa lãng mạn đã khắc họa bức tranh cuộc sống để lại trong tâm hồn ta những dư vị đằm thắm, một sự cảm thương man mác về những phận đời nghèo khó và ước vọng về tình người bao dung.