Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng chia sẻ tại tọa đàm. |
Đặt vấn đề, vì sao giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn giá sách giáo khoa theo chương trình cũ? PGS.TS Nguyễn Văn Tùng phân tích, có một số lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, sách giáo khoa cũ được tổ chức biên soạn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; còn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 biên soạn theo chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. Theo chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, nhà xuất bản tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để thực hiện các khâu xuất bản.
Thứ hai, các chi phí như: nhuận bút, chi phí nguyên vật liệu, công in đều cao hơn trước. Một số công đoạn như: thực nghiệm sách giáo khoa, giới thiệu, quảng cáo, tập huấn giáo viên... trước đây, nhà xuất bản không phải làm và cũng không phải chi trả chi phí. Tuy nhiên, nhà xuất bản phải chi trả thêm các chi phí này. Đặc biệt, giá giấy đang tăng rất nhiều so với những năm trước.
Thứ ba, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, để đáp ứng định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, sách giáo khoa phải có khổ sách lớn hơn và có chất lượng in ấn cao hơn so với sách giáo khoa cũ.
Thứ tư, do có nhiều bộ sách giáo khoa nên sản lượng phát hành của mỗi tên sách, đầu sách sẽ giảm xuống, dẫn đến những chi phí như: tổ chức bản thảo, chi phí nhuận bút, chi phí bản quyền và một số chi phí khác phân bổ trên mỗi bản sách tăng lên. Chi phí phân bổ trên mỗi bản sách tỷ lệ nghịch với sản lượng phát hành.
“Đây là những lý do khiến giá sách giáo khoa theo chương trình mới cao hơn chương trình cũ” - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nhìn nhận.