Để làm được điều đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Đảng ủy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ, đảng viên đều có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, không dao động trước khó khăn, tác động của kinh tế thị trường đối với lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa; có nhận thức đúng đắn, hành động phù hợp, kịp thời trong giai đoạn phát triển mới của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh, trở thành các hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị được Bộ GD&ĐT giao.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng cường hơn nữa việc đầu tư, nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm khác ngoài sách giáo khoa như: sách tham khảo, chuyên luận, chuyên khảo chất lượng cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, nâng cao dân trí; góp phần lan tỏa văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập; tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước; đủ năng lực dẫn dắt ngành xuất bản của nước ta; đủ sức cạnh tranh với các NXB trong khu vực và trên thế giới, tránh tình trạng chỉ đơn thuần là Nhà xuất bản "sách giáo khoa”.
Tập trung, ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là nhân sự lãnh đạo chủ chốt, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018 và sự phát triển bền vững của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đối với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam: Tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, trong đó đặc biệt lưu ý đề ra được các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục, không để xảy ra vi phạm, khuyết điểm thời gian tới.
Tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp và kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2023-2027, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính trị cốt lỗi phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về dân chủ ở cơ sở bảo đảm sự trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch trong mọi hoạt động của toàn đơn vị; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan...
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tặng hoa chúc mừng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. |
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trong bối cảnh ngành Giáo dục đã và đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội, trong đó có trọng tâm là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.
Đó là lần đầu tiên, ngành Giáo dục thực hiện việc xã hội hóa sách giáo khoa. Với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, thay vì việc độc quyền tự nhiên trong xuất bản, in ấn sách giáo khoa như trước đây, phải cạnh tranh với các tổ chức, cá nhân khác trong việc tổ chức biên soạn, in ấn, cung cấp sách giáo khoa thực hiện chương trình GDPT mới.
Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái vì bất ổn chính trị; tác động của đại dịch Covid ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các quốc gia, để phát huy giá trị thương hiệu Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đòi hỏi tất cả phải đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để có thể tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT giao; giữ vững và phát triển thương hiệu 65 năm qua.
Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đồng thời cam kết thời gian tới Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để phục vụ tốt nhất, mang tới các sản phẩm có giá trị cao, góp phần tích cực vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Khẳng định những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, song Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ tin tưởng và mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đã đạt được; xây dựng chiến lược phát triển bền vững để góp phần cùng toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo...