Theo kế hoạch, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố Đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh trong định hướng ôn tập, lựa chọn ngành/nghề. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc thông tin, về cơ bản ĐH Bách khoa Hà Nội giữ ổn định chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng, theo điểm thi đánh giá tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh, công tác truyền thông tuyển sinh được phân tích sâu hơn trên nền tảng dữ liệu, tinh thần là tiếp tục duy trì và phát huy các hình thức truyền thông của năm 2023. Hiện, cơ sở vật chất của ĐH Bách khoa Hà Nội được nâng cao. Song song với truyền thông xét tuyển, các đơn vị tăng cường thông tin về kỳ thi đánh giá tư duy, tạo nguồn cho các ngành và chương trình đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là những bước đi cho công tác tuyển sinh năm 2024 và chuẩn bị sẵn sàng mùa tuyển sinh 2025.
Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển 3.700 sinh viên theo 4 phương thức xét tuyển: Học bạ THPT; kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng. Tuy nhiên, từ năm 2025, đơn vị này không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.
Năm 2025, lứa học sinh THPT đầu tiên theo chương trình mới sẽ tốt nghiệp. Để phù hợp với kỳ thi, phương thức xét tuyển đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học cũng phải thay đổi.
Dự kiến, năm 2025, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) cơ bản giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, mức giảm sẽ đảm bảo vừa phải, không đột ngột. Nhà trường dự kiến tăng số chỉ tiêu xét tuyển các phương thức khác như đánh giá tư duy, năng lực.
Thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong số những phương thức xét tuyển, TS Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận và cho biết, nhà trường đã có lộ trình để không phụ thuộc vào thi tốt nghiệp quá nhiều bởi đơn vị cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp mà sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển là xu hướng mà nhiều trường đang áp dụng. Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), đa dạng phương thức tuyển sinh vừa giúp trường tuyển được thí sinh phù hợp nhất cho các ngành nghề đào tạo, vừa không bị ảnh hưởng nhiều khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải nhìn nhận, khi nguồn tổ hợp xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống, trường sẽ giảm tỷ trọng chỉ tiêu xét bằng kết quả kỳ thi này; đồng thời, tăng chỉ tiêu xét bằng các phương thức khác; chẳng hạn như kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực và tư duy....