Công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực này tại các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất cập so với nhu cầu thực tế.
Thực trạng các trường học thiếu hụt lực lượng nhân viên y tế học đường không mới. Tại TP Hồ Chí Minh có gần 1,8 triệu học sinh các cấp với hơn 1.000 trường công lập nhưng chỉ có 7 bác sĩ, số nhân viên y tế trường học có chuyên môn (chiếm khoảng 42%), còn lại kiêm nhiệm. Có 700 trường (48,1%) chưa có cán bộ y tế chuyên trách phải kiêm nhiệm, 755 trường (51,9%) có cán bộ chuyên trách về y tế nhưng 2/3 đạt trình độ trung cấp, số còn lại trình độ sơ cấp, không đạt chuẩn quy định nên không tuyển được vào biên chế.
Trong khi đó, hằng năm một lượng lớn nhân lực trình độ từ trung cấp đến cao đẳng y tế cộng đồng, y sĩ đa khoa, điều dưỡng, dược sĩ được các trường ở TP Hồ Chí Minh cung cấp ra thị trường lao động. Do đặc thù vị trí, cơ hội phát triển nghề nghiệp cùng sức hút vị trí nhân viên y tế trường học không cao nên không mấy sinh viên sau tốt nghiệp mặn mà lựa chọn.
Thực tế này được ThS Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, cho biết, hằng năm, nhân lực khối ngành Y tế có trình độ sơ cấp và trung cấp của trường đưa vào thị trường lao động khá lớn, khoảng 500 -700 em. Tuy nhiên, số sinh viên được khảo sát công việc sau tốt nghiệp cho thấy không nhiều đi theo hướng nhân viên y tế trường học.
Sinh viên khối ngành Y, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành. Ảnh: Anh Tú |
“Hiện, trường không có bất cứ thỏa thuận hay sự liên kết nào với các đơn vị trường học hay nhận đặt hàng đào tạo từ sở GD&ĐT về nhân lực y tế trường học. Số sinh viên theo học chủ yếu được tuyển sinh và đào tạo theo nhu cầu của người học, nên chương trình đào tạo của trường không thay đổi. Việc tốt nghiệp xong lựa chọn nơi công tác hoàn toàn do sinh viên quyết định. Nhà trường không thể can thiệp, định hướng do ngân sách đào tạo sinh viên phải tự chi trả…”, ThS Trần Thành Đức nói.
Nhìn thẳng vào vấn đề khó tuyển dụng nhân sự cho vị trí y tế trường học, cũng như lựa chọn vị trí công việc của sinh viên ngành Y sau khi ra trường, ông N.H.T (tên nhân vật đã được thay đổi), Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học khối ngành Y tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng không thể cưỡng cầu khi đơn vị sử dụng lao động không có bất cứ chính sách hỗ trợ nào cho người học cũng như sự thỏa thuận về đào tạo.
“Sinh viên phải bỏ ra một khoản học phí không nhỏ để theo đuổi ngành học nào đó thuộc khối ngành Y hệ cao đẳng hay đại học suốt nhiều năm. Thế nên ít ai chọn làm ở vị trí công việc (đặc biệt y tế học đường) thu nhập không cao, sự phát triển chuyên môn ngành nghề và bản thân không lớn. Đây là vấn đề cần nhìn nhận để tháo gỡ, nếu đánh giá việc chăm sóc y tế ban đầu tại trường học là quan trọng…”, ông N.H.T lý giải.
Sinh viên ngành Điều dưỡng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đang thực hành thao tác sơ cấp cứu. Ảnh: Anh Tú |
ThS Trần Thành Đức đưa ra giải pháp xây dựng đội ngũ y tế học đường chuyên nghiệp: “Muốn có nguồn nhân lực y tế khỏa lấp khoảng trống trong các trường hiện nay thì ngành Y tế và Giáo dục (liên Bộ) phải có một chính sách lớn (kiểu đặt hàng đào tạo như sinh viên sư phạm). Nếu thả nổi tuyển dụng bằng cơ chế thị trường thì chắc chắn không khả thi…”.
Qua ghi nhận nhanh tại các trường đại học, cao đẳng (cả trong và ngoài công lập) có đào tạo ngành Y cho thấy chưa có một đơn vị nào tại TP Hồ Chí Minh nhận được đặt hàng đào tạo của ngành Giáo dục hay UBND TP về nhân sự y tế học đường. Vì chưa có chính sách tầm vĩ mô nên các trường vẫn chưa thay đổi về khung chương trình đào tạo, hay thiết kế xây dựng chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng đầy đủ chuyên môn cho vị trí nhân viên y tế trường học.
Cùng trao đổi về thiếu nguồn nhân lực y tế trường học, ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng nguyên nhân chính do UBND TP chưa có một chiến lược hay chính sách cụ thể cho vấn đề này. Mặt khác, ở cấp cao hơn là Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT chưa thống nhất các định hướng chiến lược tầm quốc gia cho vấn đề nhân lực y tế học đường, do đó, các trường đào tạo nhân lực khối ngành Y chưa thể “bắt tay” tham gia.
“Việc tuyển dụng nhân viên y tế trường học cho các trường cao đẳng, đại học còn khó, dù mức lương và thu nhập cao hơn ở các trường tiểu học, THCS hay THPT. Không những thế, nhân sự y tế học đường luôn biến động (nhất là với các trường ngoài công lập) khi sức hút của thị trường lao động lớn.
Với nhân sự có trình độ từ cao đẳng đến đại học thuộc các chuyên ngành y tế cộng đồng, y sĩ đa khoa, điều dưỡng, dược sĩ… khi cơ hội và mức thu nhập cao hơn, giúp họ khai thác tốt trình độ chuyên môn và khả năng thì khó để cản tình trạng “nhảy việc” diễn ra. Một người tự bỏ tiền học 3 năm thậm chí 5 - 6 năm để rồi về làm vị trí nhân viên y tế trường học còn rất ít. Để đảm bảo đủ nhân lực y tế học đường thì ngoài chính sách hỗ trợ mang tính bền vững, cần thêm cơ chế thu hút đặc biệt…”, ThS Nguyễn Đăng Lý đánh giá.
Ông N.H.T cũng chia sẻ thêm: “Trường mỗi năm cung cấp nhân lực khối ngành Y ra xã hội khoảng 2.000 - 3.200 nhân lực y tế (các ngành, các hệ) nhưng so với nhu cầu nhân sự thiếu trầm trọng hiện nay tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thì con số đó chưa thấm vào đâu. Nói thế để thấy rằng, vấn đề nhân lực cho y tế học đường muốn đảm bảo cần sự tham gia, vào cuộc của nhiều bộ, ngành chứ không phải việc của riêng ai…”.
“Để giải quyết và tạo sức hút cho vị trí nhân viên y tế trường học, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, Sở đã trình đề án xin UBND TP hỗ trợ cho cán bộ y tế học đường. Theo đề án, cán bộ y tế được hưởng lương theo ngạch giáo viên trình độ trung cấp hoặc cao đẳng chứ không chỉ là ngạch nhân viên, cũng như được hưởng một số phụ trội khác. Hiện, Sở vẫn chờ UBND TP trình HĐND TP xem xét để có hướng đi tiếp theo…”. - Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh.