Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội

Hoàng Hải - Đại Dương | 03/04/2023, 18:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hội nghị chuyên đề Quốc tế về Trường học hạnh phúc lần thứ nhất với chủ đề: Có thể học được kĩ năng kiến tạo hạnh phúc không?

Ngày 3/4, Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tổ chức Hội nghị chuyên đề Quốc tế về Trường học hạnh phúc lần thứ nhất với chủ đề “Có thể học được kĩ năng kiến tạo hạnh phúc không?”.

Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ hợp tác với Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc (ELI) và được tổ chức từ ngày 3/4 đến ngày 6/4/2023 tại Trường ĐH Sư phạm Huế dưới các hình thức kết hợp gồm trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, cùng đại biểu các vụ, ngành giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Nội và các Sở Giáo dục quan tâm đến Trường học hạnh phúc; các nhà quản lý giáo dục và giáo viên đã và đang tham gia Dự án Trường học hạnh phúc,...

Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội ảnh 1
Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề Quốc tế về "Trường học hạnh phúc".

Chia sẻ, củng cố niềm tin về "Trường học hạnh phúc"

Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết giai đoạn thí điểm chương trình "Trường học hạnh phúc" tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ các bài học và báo cáo đánh giá của Trường ĐH Sư phạm Huế; ghi nhận tiến trình và tiếp tục phát triển dự án "Trường học hạnh phúc" tại Việt Nam; chủ trì cuộc gặp mặt cấp cao tầm quốc tế giữa các nhà nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực: Học tập cảm xúc - xã hội (SEL), chú tâm, hạnh phúc và bền vững trong giáo dục.

Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội ảnh 2
Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội ảnh 3
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các thầy, cô giáo cùng các em học sinh biểu diễn tại Hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Tôi thấy có một vấn đề rất quan trọng liên quan đến tương lai của trường học con em chúng ta không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới, đó là vấn đề hạnh phúc. Từ năm 2014, Unesco đã khởi động dự án về Trường học hạnh phúc, và đến năm 2016 Unesco đã đưa ra 22 tiêu chí đánh giá về Trường học hạnh phúc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã giao cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiến hành phát động, hướng dẫn liên quan đến Trường học hạnh phúc, đây được xem là sự khởi đầu và là một quá trình lâu dài.

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục của Bộ GD&ĐT đã khẳng định mục tiêu giáo dục vì con người, vì hạnh phúc của con người và trong đó có các giải pháp chiến lược xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, phát triển các mô hình trường học hạnh phúc.

Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội ảnh 4

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị chuyên đề Quốc tế về "Trường học hạnh phúc".

"Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần có sự khởi đầu để từ đó có kinh nghiệm tốt và nhân rộng ra mô hình trường học không tách rời với gia đình và xã hội. Tôi rất mong mọi người cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm tốt liên quan đến giáo dục hạnh phúc, trường học hạnh phúc nhằm không chỉ phát triển ở Việt Nam mà còn đóng góp chung cho thế giới về vấn đề xây dựng giáo dục hạnh phúc, xã hội hạnh phúc và tương lai của nhân loại phát triển hạnh phúc hơn”, Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh.

Hội nghị là cơ hội giúp người tham dự được lắng nghe những chia sẻ từ các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, những nhà hoạch định chính sách, những nhà triển khai thực tế về Trường học hạnh phúc và các bên đánh giá tác động để có cái nhìn đa chiều và toàn diện về lĩnh vực sức khỏe tinh thần trong khuôn khổ hệ thống giáo dục và trường học.

Bên cạnh đó, người tham dự còn tham gia các hoạt động workshop trải nghiệm trực tiếp với những nhà điều phối trong nước và quốc tế; được kết nối với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước; được cùng cố thêm niềm tin và con đường triển khai thực tế sau khi tham dự Hội nghị.

Hạnh phúc của trẻ em và học sinh là ưu tiên quan trọng

Mô hình giáo dục hiện nay đang ứng phó với nhiều thách thức, nhưng để có thể tự tin đối diện tương lai, cần tư duy lại về vai trò, phương pháp và chức năng của giáo dục, để có thể trang bị cho thế hệ trẻ những kĩ năng và năng lực cần thiết nhằm đáp ứng các thách thức này.

Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội ảnh 5
GS.TS Hà Vĩnh Thọ - người Pháp gốc Việt, nhà sáng lập Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc, nguyên Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc Quốc gia tại Bhutan chia sẻ về xây dựng "Trường học hạnh phúc" tại Hội nghị.

Unesco đã xác định rằng, hạnh phúc của trẻ em và học sinh là ưu tiên quan trọng cho tất cả các nước thành viên, tập trung vào sự an lạc của giáo viên và học sinh là một bước tiến mạnh mẽ hướng đến việc tái tư duy về hệ thống giáo dục.

Chia sẻ về ý nghĩa chương trình, em Ngô Đình Yến Nhi - học sinh Trường THPT Cao Thắng (TP Huế) cho biết: “Sau khi tham gia dự án Trường học hạnh phúc này, em cảm thấy mình hiểu được bản thân mình hơn, biết ngồi lại suy nghĩ về những thứ trước kia mình đã trải qua như thế nào và để từ đó rút ra những kinh nghiệm và những hướng giải quyết cho những vấn đề tiếp theo mà mình phải đối mặt. Từ đó cảm thấy bản thân được thư giãn hơn, sống một cuộc sống tích cực hơn, không còn nghĩ những vấn đề tiêu cực như lúc trước nữa và nhìn nhận một vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau. Em mong muốn Trường học hạnh phúc này sẽ lan rộng đến nhiều nơi để các học sinh trong trường có thể gắn kết, quan tâm và đoàn kết với nhau hơn”.

Dự án "Trường học hạnh phúc" ở tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những năm học qua đã thực hiện một chương trình đào tạo giáo viên và hỗ trợ quá trình triển khai thí điểm từ lớp 1 đến lớp 12. Từ kinh nghiệm của Dự án, Hội nghị sẽ tập trung vào “Các kĩ năng hạnh phúc” trong giáo dục, bao gồm: Sự chú tâm, học tập cảm xúc - xã hội; Trí tuệ cảm xúc; Giáo dục hướng tới bền vững.

Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội ảnh 6
Các đại biểu, khách mời cùng tạo kiểu chụp ảnh lưu niệm nhằm hưởng ứng Hội nghị chuyên đề Quốc tế về "Trường học hạnh phúc".

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, cô Lê Hoàn Châu – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết, từ tháng 08/2022 UBND quận Ba Đình đã phê duyệt kế hoạch triển khai kế hoạch thí điểm mô hình Trường học hạnh phúc. Khi triển khai tại trường sẽ tập trung tập huấn cho giáo viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tạo dựng được Trường học hạnh phúc. Trong quá trình thực hiện, các giáo viên đã vận dụng những kiến thức, kỹ năng học được để đưa vào công tác chuyên môn của mình, cụ thể nhà trường đã lồng ghép các nội dụng xây dựng Trường học hạnh phúc trong các buổi ngoại khóa, các hoạt động tập thể chung của trường, của khối và các lớp. Bên cạnh đó cũng có nhiều biện pháp quan tâm về cải tạo cảnh quan thiên nhiên trường, lớp và đặc biệt phối hợp với cha mẹ học sinh để đồng hành trong mọi hoạt động của nhà trường trong hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc.

Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội ảnh 7

Cô Lê Hoàn Châu – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, TP Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hải).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc không tách rời xã hội