Sau khi phân tích kết quả các kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024, nhiều nhà trường, địa phương nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ôn tập...
Đến nay, học sinh Trường THPT Chu Văn An, huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã trải qua 2 đợt thi thử theo kế hoạch của sở GD&ĐT. Theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ánh, tổ chức hoạt động này được nhà trường bám sát yêu cầu của sở GD&ĐT và Quy chế thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm nghiêm túc, khách quan, an toàn. Sau mỗi lần khảo sát, trường tiến hành phân tích phổ điểm từng môn, lớp, chỉ rõ sự chênh lệch và phân tích nguyên nhân.
“Nhà trường đã lọc danh sách học sinh có điểm khảo sát thấp, yêu cầu giáo viên thông báo về gia đình và phối hợp với nhà trường tìm giải pháp cải thiện điểm số. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với học sinh, giáo viên trong công tác ôn tập.
Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu các tổ nhóm xây dựng kế hoạch dự giờ thăm lớp. Sau mỗi tiết dạy ôn tập được dự, tổ nhóm tiến hành nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra những ưu điểm để phát huy và tồn tại để khắc phục. Trường cũng có chế độ khuyến khích, quan tâm, động viên thầy cô dạy ôn tập thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt thưởng cho những tổ nhóm dạy có phổ điểm cao hơn điểm trung bình toàn tỉnh”, cô Nguyễn Thị Ánh chia sẻ.
Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) cũng tổ chức 2 đợt thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024 theo đề chung của sở GD&ĐT (vào tháng 1 và tháng 5/2024). Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương thông tin, kết quả thi thử của học sinh cơ bản ổn nên nhà trường không có nhiều điều chỉnh trong công tác ôn tập. Tuy nhiên, giáo viên luôn được lưu ý không chủ quan, quan tâm đôn đốc, kiểm tra học sinh và tăng cường cho các em làm bộ đề do đội ngũ giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT Bắc Ninh biên soạn.
Học sinh Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) đã trải qua 5 đợt thi thử (2 đợt do sở GD&ĐT tổ chức, 3 đợt do trường tổ chức). Theo thầy Hiệu trưởng Tạ Duy Kiên, tham gia thi thử đã giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài, xác định được cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và nội dụng kiến thức.
Từ nay đến trước ngày thi, nhà trường tổ chức thêm 2 lần cho học sinh. Sau mỗi lần thi thử đều có sự chuyển biến về điểm số. Căn cứ kết quả này, nhà trường tiếp tục phân hóa học sinh, dạy và phụ đạo nội dung kiến thức còn thiếu, yếu để các em có kiến thức, tâm lý tốt khi bước vào kỳ thi chính thức.
Trường THPT Đoàn Thị Điểm, huyện Thạch Phú (Bến Tre) đã rà soát, so sánh kết quả thi thử với kết quả kiểm tra học kỳ II thì cho thấy chất lượng cơ bản ổn định, phần lớn học sinh có điểm trung bình khá trở lên. Để nâng cao chất lượng ôn tập, căn cứ kết quả thi thử, thầy Hiệu trưởng Phan Văn Phúc cho biết, nhà trường đã xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh khối 12 để đóng góp ý kiến, cùng phối hợp thực hiện.
Cách làm của trường là sắp xếp lớp theo năng lực học sinh và theo tổ hợp môn học sinh lựa chọn. Phân công giáo viên chủ nhiệm, bộ môn phù hợp với đặc điểm tình hình từng lớp. Các tổ bộ môn điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp, bảo đảm tính khoa học, hợp lý. Bên cạnh đó, căn cứ đề thi tham khảo Bộ GD&ĐT công bố và đề thi chính thức các năm, tổ bộ môn xây dựng bổ sung ngân hàng đề thi để học sinh tập làm quen với dạng đề thi tốt nghiệp THPT.
Ảnh minh họa ITN. |
Ngày 16 - 17/3 và ngày 26 - 27/4, Sở GD&ĐT Hòa Bình tổ chức thi thử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đợt 1 và đợt 2 trong toàn tỉnh. Sở GD&ĐT đã tổng hợp kết quả của các trường THPT cho thấy, điểm trung bình 9 môn đều thấp hơn so với kết quả thi chính thức năm 2023.
Nhằm nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, tăng điểm trung bình các môn thi, giảm độ chênh lệch giữa điểm trung bình môn học lớp 12 và điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp, bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở có yêu cầu cụ thể đến các đơn vị, trường học trong tăng cường công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong đó nhấn mạnh việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ôn tập và tài liệu ôn tập; tăng cường công tác tổ chức dạy học ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; nâng cao trách nhiệm của giáo viên khi ôn thi tốt nghiệp.
Một trong những nội dung sở lưu ý các đơn vị là điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phù hợp điều kiện thực tế đơn vị, năng lực từng trò/nhóm. Có thể tăng số buổi ôn thi hoặc cân đối sao cho các bộ môn học sinh còn yếu có thể được ôn tập nhiều tiết hơn. Bố trí lịch ôn thi đến sát ngày thi tốt nghiệp THPT.
“Sở GD&ĐT đã nhấn mạnh việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban giám hiệu, gắn trách nhiệm của lãnh đạo với chất lượng chuyên môn đơn vị và chịu trách nhiệm về kết quả thi tốt nghiệp THPT của đơn vị mình trước lãnh đạo sở GD&ĐT.
Gắn trách nhiệm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn trong công tác ôn tập, làm căn cứ để nhận xét, xếp loại thi đua, đánh giá viên chức, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm học và biểu dương, khen thưởng.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu nhà trường rà soát đội ngũ giáo viên giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp THPT; đề xuất với sở GD&ĐT nếu cần sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tỉnh trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024”, bà Đinh Thị Hường chia sẻ.
Nhà trường mời thầy cô đại diện từng bộ môn giãi bày tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng môn học, phổ điểm… Giáo viên chủ nhiệm thì chia sẻ về công tác chủ nhiệm, quản lý học sinh trong thời gian ôn tập.
Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội nói về những việc đã làm trong thời gian qua và sẽ làm trong thời gian tới... Đây là một giải pháp của nhà trường để phát huy trí tuệ tập thể, góp phần nâng cao chất lượng ôn tập thi tốt nghiệp THPT. - Cô Nguyễn Thị Ánh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Kiến Xương (Thái Bình)