Giáo dục

Nhật Bản 'cứu nguy' giáo viên trẻ

14/08/2024 09:03

Chính quyền các địa phương tại Nhật Bản đẩy mạnh giải quyết gánh nặng công việc cho giáo viên trẻ.

Đây là nỗ lực góp phần giữ chân giáo viên, giải quyết bài toán thiếu nhân sự đang diễn biến nghiêm trọng.

Nhằm giữ chân và phát triển nguồn lực giáo viên, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ giáo viên trẻ, giáo viên mới vào nghề bằng cách ban hành nhiều quy định cải cách làm việc.

Cụ thể, trong năm đầu tiên, sinh viên mới tốt nghiệp ngành sư phạm sẽ được phân công làm giáo viên bộ môn thay vì giáo viên chủ nhiệm. Bởi lẽ, giáo viên chủ nhiệm quản lý một lớp có đông học sinh nên họ phải chịu nhiều gánh nặng và các công việc hành chính hơn. Nếu giáo viên chủ nhiệm lớp khi mới ra trường và còn thiếu kinh nghiệm sẽ làm gia tăng áp lực đối với họ.

Ngoài ra, nếu giáo viên trẻ Nhật Bản phải làm chủ nhiệm, họ sẽ được giảm giờ dạy để tập trung cho công tác quản lý. Các giáo viên lâu năm, giáo viên giàu kinh nghiệm được khuyến khích hỗ trợ, chia sẻ phương pháp giảng dạy để giúp đỡ giáo viên trẻ nhanh chóng bắt nhịp công việc.

Một số địa phương tại Nhật Bản đã đi đầu trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho giáo viên trẻ. Tại tỉnh Yamagata, nơi số lượng giáo viên trẻ nghỉ việc không ngừng tăng lên, chính quyền đã ra quy định từ năm 2023, sinh viên mới tốt nghiệp sẽ được phân công làm giáo viên bộ môn và trợ lý giáo viên chủ nhiệm, còn gọi là phó chủ nhiệm. Với sự sắp xếp này, giáo viên trẻ sẽ có thời gian tích lũy kiến thức về quản lý lớp học, cách tương tác với phụ huynh học sinh.

Do phải làm việc quá sức và áp lực công việc cao, nhiều giáo viên Nhật Bản đang bỏ nghề, về hưu sớm, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Hội đồng Giáo dục Tokyo thông tin, tính đến tháng 1, thành phố thiếu 160 giáo viên tiểu học công lập do nhiều người nghỉ việc hoặc nghỉ ốm. Còn theo Bộ Giáo dục, hơn 12.000 giáo viên công lập trên toàn quốc đã nghỉ việc do bệnh tâm thần vào năm 2022.

Giới chức Nhật Bản đang tìm cách giải quyết vấn đề trên như thuê trợ giảng, số hóa một số công việc của giáo viên, mở rộng đội ngũ nhân viên hỗ trợ… Một số trường chủ động cắt giảm giờ làm việc.

Vì lý do trên, trong những năm gần đây, số lượng ứng viên tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên tại Nhật Bản đã giảm mạnh. Do đó, Bộ Giáo dục hy vọng những điều chỉnh về phong cách làm việc sẽ thu hút nguồn nhân lực xuất sắc cho nghề giáo.

Ngoài ra, Bộ sẽ tìm cách cải thiện điều kiện việc làm tại các trường học. Giáo viên phải làm việc ngoài giờ sẽ được nhận tiền làm thêm giờ, phụ cấp làm việc ngày lễ và được tăng lương tháng thêm ít nhất 10%. Hiện nay, giáo viên Nhật Bản không được trả phụ cấp cho việc làm thêm giờ.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tiền làm thêm. Một sinh viên ngành sư phạm tại Đại học Tokyo chia sẻ: “Nếu vậy, giáo viên sẽ bị buộc phải làm việc liên tục. Tôi e rằng sẽ không có ai muốn trở thành giáo viên nữa”.

Theo khảo sát của Hội đồng Giáo dục tỉnh Yamagata, khoảng 70% sinh viên mới tốt nghiệp trong năm đầu tiên đi dạy cho biết họ hài lòng với hệ thống phân cấp mới. Các phản hồi tích cực như: “Tôi có đủ thời gian và không gian để chuẩn bị kiến thức”, “Tôi có cơ hội học hỏi từ nhiều giáo viên lâu năm ở nhiều khối lớp”.

Theo Japan Times

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản 'cứu nguy' giáo viên trẻ