Tại thời điểm 30/6, các khoản nợ phải trả ngắn hạn (244 tỷ đồng) đã vượt quá tài sản ngắn hạn là (77 tỷ đồng). Luỹ kế 6 tháng, công ty lỗ 9,7 tỷ đồng.
ILS lỗ sau thuế 8,8 tỷ đồng, doanh thu giảm mạnh trong khi trích lập dự phòng tăng cao.
Báo cáo tài chính 2022 của ILS nhận một số ý kiến ngoại trừ của kiểm toán. Kiểm toán viên lưu ý: “Khả năng liên tục hoạt động của Công ty phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các cổ đông, gia hạn thanh toán các khoản vay từ các tổ chức tín dụng, cá nhân, các khoản phải trả nhà cung cấp, triển khai đưa dự án cảng cạn ICD Mỹ Đình tại Đức Thượng vào hoạt động, cũng như việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét xử lý xoá nợ lãi vay phải trả, các khoản tài trợ tài chính từ các cá nhân, tổ chức tín dụng”.
Interserco và các công ty con, công ty liên kết đang nắm giữ khá nhiều lô đất vàng ở Hà Nội, gồm lô đất 17 Phạm Hùng (nằm ở ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết) có diện tích 47.029 m2; lô đất 358 đường Láng, quận Đống Đa có diện tích 2.716 m2; lô đất tại Cụm 4 xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức diện tích 21.081 m2; lô đất Cảng Hồng Hà, 302 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây; lô đất của Trường Trung cấp nghề Interserco ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức và nhiều lô đất khác.
Lãi nhờ trái phiếu, gửi tiết kiệm
Dù doanh thu thuần chỉ 247 triệu đồng, nhưng kết thúc quý II, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã VEF) vẫn báo lãi sau thuế gần 122 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM.
Tương tự các quý trước, VEF gần như không có doanh thu, không ghi nhận doanh thu từ cung cấp dịch vụ tổ chức triển lãm hội chợ. Sở hữu đất vàng 148 Giảng Võ, nhưng VEF không khai thác được doanh thu từ đây. Kết quả kinh doanh chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, nhờ lãi tiền gửi và cho vay. Quý II, doanh thu của VEF từ lãi trái phiếu, tiền gửi, tiền cho vay đạt 164 tỷ đồng.
Doanh thu thuần lẹt đẹt, nhưng VEF có khoản thu 163 tỷ đồng từ lãi trái phiếu, tiền gửi, cho vay
Tại thời điểm ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 1.741 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng là 509 tỷ đồng và khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên tới 1.231 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông thường niên năm nay của VEF thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 10.196 tỷ đồng. VEF đặt mục tiêu năm nay sẽ có hai hội chợ triển lãm và kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu dự kiến 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập dự kiến 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đi qua nửa đầu năm, doanh nghiệp chưa tổ chức hội chợ nào, doanh thu mới đạt 2,5 tỷ đồng.
Năm 2015, VEF hoàn tất cổ phần hoá với vốn điều lệ là 1.666 tỷ đồng. Hiện tại, VEF đang là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn tại Hà Nội.