Nhiều giải pháp huy động học sinh đến trường sau Tết

20/02/2024, 13:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thầy cô giáo ở các trường học vùng khó đã trả phép sớm để vệ sinh trường lớp, khu nội trú, vào thôn bản vận động học sinh trở lại trường.

Tùy điều kiện thực tế, mỗi trường tổ chức hoạt động gặp gỡ đầu xuân phù hợp để ổn định nền nếp, bắt nhịp dạy - học.

Trường đẹp đón em

Để đón học sinh trở lại học tập, các trường học tại Tiền Giang tổ chức vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất. Giáo viên chủ nhiệm các khối lớp liên lạc, thông báo thời gian đi học trở lại tới từng học sinh. Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết: “Trước ngày học sinh trở lại trường, cơ sở giáo dục đã rà soát, chỉnh trang; trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề điện, nước, an toàn phòng học”.

Đón hơn 1 nghìn học sinh quay lại trường sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) huy động lực lượng vệ sinh trường lớp, khuôn viên trường học. Đặc biệt, khu vực bếp ăn, nơi ngủ đảm bảo thông thoáng, an toàn để triển khai công tác bán trú ngay sáng 19/2.

“Nhà trường lên thực đơn đảm bảo dinh dưỡng đồng thời giải ngán, tránh tâm lý không muốn ăn của học sinh với việc tăng cường rau xanh, tránh đồ chiên rán...”, cô Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà thông tin.

Tại huyện Mường Tè (Lai Châu), các cơ sở giáo dục đã huy động đội ngũ vệ sinh khuôn viên trường lớp, khu vực nuôi ăn bán trú. Chia sẻ thông tin, ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đồng thời cho hay: Cùng đó, các đơn vị chủ động tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương, phối hợp với lực lượng trên địa bàn, trưởng bản, phụ huynh để tuyên truyền học sinh ra lớp. Những trường vùng khó đã cử giáo viên đến từng bản vận động học sinh.

Đối với cấp mầm non, việc trẻ trở lại trường sau Tết khó khăn hơn. Cô Trần Diệu Hiền - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca (TP Cà Mau) cho biết: “Nắm bắt tâm lý các bé sau nghỉ Tết dài ngày sẽ ngại đi học, nhà trường đã gửi tin nhắn động viên phụ huynh cố gắng cho con đi học đúng ngày, giờ. Nhà trường đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, trang bị thêm đồ dùng, dụng cụ học tập vui chơi để tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi đến trường”.

Học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trồng cây xanh trang trí lớp học bằng vật liệu tái chế. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trồng cây xanh trang trí lớp học bằng vật liệu tái chế. Ảnh: NTCC

Nỗ lực vận động trò ra lớp

Trong ngày học đầu tiên, các lớp học đều dành từ 15 - 30 phút để thầy - trò chúc Tết, sinh hoạt, lập lại nền nếp, động viên nhau phấn đấu dạy và học tốt hơn. Cô Trịnh Thị Hoài - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau) cho biết: “Từ 6 giờ 30 phút sáng, giáo viên đã có mặt tại lớp để đón học sinh. Thầy cô rất vui vì các em đến lớp đầy đủ”.

Trường PTDTBT Tiểu học Mường Típ 2 (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã huy động gần 100% học sinh ngày đầu tiên tới trường sau Tết. Cũng dịp này, cán bộ huyện đến thăm trường, mừng tuổi các em. Nhận quà mừng tuổi là bánh kẹo, sữa, lì xì may mắn đã tạo nên không khí tươi vui ở ngôi trường vùng biên giới.

Thầy Hiệu trưởng Trần Gia Thảo cho hay, Trường PTDTBT Tiểu học Mường Típ 2 là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện đưa học sinh các lớp 3, 4, 5 điểm lẻ về trường chính học tập, vì vậy sĩ số duy trì ổn định. Về phía phụ huynh nhiều người đi làm ăn xa nhưng yên tâm khi con được chăm sóc, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập ở trường.

Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) tuần trước còn vắng hơn 30 học sinh, sang tuần mới đã cơ bản đầy đủ. Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Quý cho hay, nhà trường và giáo viên tìm hiểu lý do vắng học sinh thì được biết chủ yếu do sức khỏe hoặc liên quan đến tập tục. Không có trường hợp nào có ý định bỏ học.

“Phụ huynh nhiều người đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam, chỉ về bản vào dịp Tết. Kết thúc kỳ nghỉ, theo tập tục của bà con dân tộc thiểu số, trước khi xa gia đình, họ sẽ “làm vía” cầu mong điều tốt lành, thuận lợi và tổ chức liên hoan. Nhiều trò được bố mẹ, trưởng bản xin phép nghỉ thêm 1 – 2 ngày để ở nhà làm vía cùng gia đình nhưng hứa sẽ trở lại trường vào đầu tuần này”, thầy Quý cho hay.

Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý có hơn 300 học sinh, trong đó 2/3 ở bán trú. Nhà trường đã ổn định công tác bán trú để các em yên tâm đến trường, trở lại nhịp học tập bình thường. Tuy nhiên ở một số đơn vị khác, tình trạng học sinh chậm đến trường sau kỳ nghỉ Tết dài vẫn xảy ra. Trong đó tình trạng học sinh nghỉ học lấy vợ, chồng hoặc nghỉ học theo gia đình đi làm ăn xa có nguy cơ tiếp diễn.

Ông Phạm Viết Phúc – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, nhằm phòng chống tảo hôn, trước kỳ nghỉ Tết, phòng đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền xã, ban, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng thôn, bản. Đặc biệt chỉ đạo ngay ngày đầu tiên trả phép sau Tết, các trường dân tộc bán trú đón, cho học sinh ăn nghỉ, sinh hoạt theo kế hoạch.

Tại Hướng Hóa (Quảng Trị), Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng đã cử thầy, cô đến nhà học sinh để vận động. Đến sáng 19/2, sĩ số học sinh đảm bảo để dạy học. Trường có 2 cấp học với gần nghìn học sinh. Với học sinh THCS, nhiều em ở các thôn xa như: Vầng, Măng Sông, Hùn... cách trung tâm 15 - 17 km.

Thầy Hoàng Vũ Bằng Giao - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng cho biết: “Ban giám hiệu, Công đoàn trường đã đến một số điểm trường xa để thăm, động viên và lì xì cho học sinh. Tại một số lớp, thầy cô giáo chủ nhiệm cũng có nhiều hình thức lì xì năm mới để khuyến khích học tập”.

Tại huyện Sìn Hồ (Lai Châu), tỷ lệ học sinh đến lớp ngày đầu chỉ đạt 83,7%. Ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để huy động học sinh đến trường. Đồng thời, tuần tới, tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng cấp huyện. Đây cũng là giải pháp để huy động các em đến trường đông đủ”.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong TP Lào Cai, viết thư pháp trong Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Thuận Thiên
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong TP Lào Cai, viết thư pháp trong Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Thuận Thiên

Niềm vui đến trường

Gần 40 học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học - THCS Sơn Lĩnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) có buổi khởi động năm học mới tràn ngập tiếng cười. Sau khi ổn định chỗ ngồi, giáo viên chủ nhiệm cho các em tham gia trò chơi hái lộc may mắn. Em Vân Khánh hào hứng chia sẻ: “Em hái được mẫu giấy với phần thưởng là hộp đựng bút. Em rất thích món quà đầu năm mới này. Ngày đầu năm đi học, em thấy thật vui”.

Sáng 19/2 thầy, trò Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Lào Cai, Lào Cai) tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khát vọng mùa xuân”. Nhiều hoạt động như: Văn nghệ; thi viết chữ thư pháp… đem đến cho chương trình không khí vui tươi, rộn ràng.

Cô Hoàng Thị Thủy - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: “Ngày thơ Việt Nam được nhà trường tổ chức để tôn vinh giá trị tốt đẹp của thơ ca và những đóng góp của các nhà thơ với sự phát triển văn hóa dân tộc. Hoạt động thu hút đông đảo học sinh nhà trường tham gia”.

Một số trường học tại Đà Nẵng đã tổ chức mừng tuổi cho học sinh bằng sách trong ngày đầu trở lại trường. Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) lựa chọn bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh để mừng tuổi với mong muốn gieo vào các em niềm tự hào dân tộc: Anh dũng - Nhân nghĩa.

Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức hoạt động Tết trồng cây quanh khu vực trường. Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng thông tin: “Mỗi em chọn một loại cây mang từ nhà đến trường. Tự tay các em chăm sóc, vun trồng để được thu hoạch trong thời gian học ở trường. Đó có thể là cây ăn trái, dược liệu… Đây là những kinh nghiệm, kỹ năng để sau này, các em có thể áp dụng khi tham gia hỗ trợ kinh tế cùng gia đình”.

Trong khi đó, nhiều trường học ở thành phố Đà Nẵng như Tiểu học Phan Đăng Lưu, Lê Đình Chinh tổ chức cho học sinh trồng cây cảnh làm xanh thêm không gian mỗi lớp học bằng cách tận dụng sản phẩm tái chế làm chậu cây. Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê - Đà Nẵng) ra quân trồng cây xanh trong khuôn viên trường với sự tham gia và hỗ trợ của phụ huynh.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính (Nam Trà My, Quảng Nam) đã vận động được gần 50 triệu đồng để lì xì cho khoảng 10 nghìn học sinh của 30 trường học toàn huyện khi đi học trở lại. Mỗi em nhận được một phong bao lì xì có 5.000 đồng tiền mới. Tuy giá trị không lớn, nhưng các em phấn khởi khi được mừng tuổi. Ngày đầu tiên trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết dài, nhiều học sinh là con em đồng bào đã biết thế nào là lì xì đầu năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều giải pháp huy động học sinh đến trường sau Tết