Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thể hiện sự đồng tình với dự kiến bỏ bằng tốt nghiệp THCS khi sửa Luật Giáo dục.
Khẳng định bỏ bằng tốt nghiệp THCS mang lại những lợi ích thiết thực, ông Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lưu Văn Mót (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) chỉ ra 4 lý do cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật Giáo dục 2019 quy định: Giáo dục phổ thông bao gồm giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và giáo dục THPT. Trong đó, giáo dục tiểu học và THCS là bắt buộc. Như vậy, việc cấp bằng cho một bậc học bắt buộc có phần hình thức và không thật sự cần thiết.
Thay vào đó, việc hoàn thành chương trình học được xác nhận qua học bạ, do hiệu trưởng xác nhận, là đủ để chứng minh người học đã hoàn thành nghĩa vụ phổ cập.
Thứ hai, giảm thủ tục hành chính, tăng tính linh hoạt. Việc bỏ cấp bằng THCS giúp giảm bớt quy trình hành chính rườm rà, giảm chi phí và công việc cho ngành Giáo dục. Giao quyền xác nhận cho hiệu trưởng sẽ giúp phân cấp quản lý mạnh mẽ hơn, tạo sự linh hoạt và chủ động ở cơ sở giáo dục. Học sinh không cần lo lắng thất lạc bằng, làm lại bằng khi cần, vì học bạ đã đủ để chứng minh tốt nghiệp.
Phù hợp với thông lệ quốc tế: Nhiều nước không cấp bằng cho học sinh hoàn thành bậc học bắt buộc như tiểu học hay THCS. Thay vào đó, họ dùng giấy xác nhận hoàn thành chương trình, được ghi trong hồ sơ học tập. Việc này giúp hệ thống giáo dục tập trung vào chất lượng giảng dạy hơn là chứng chỉ hình thức.
Hạn chế tiêu cực trong cấp bằng: Trước đây, một số tiêu cực có thể xảy ra trong khâu thi, cấp bằng THCS. Việc bỏ bằng và chuyển sang xác nhận học bạ có thể giảm nguy cơ gian lận hoặc mua bán bằng cấp.
“Việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS là một bước tiến hợp lý, giúp giáo dục Việt Nam theo kịp xu hướng quốc tế, giảm hình thức, tăng hiệu quả quản lý và tập trung vào chất lượng thực học của học sinh. Tuy nhiên cần lưu ý truyền thông rõ ràng để phụ huynh và xã hội hiểu giá trị của học bạ thay thế bằng tốt nghiệp; quy định chặt chẽ về việc xác nhận học bạ để tránh tiêu cực; đảm bảo giá trị pháp lý của học bạ trong mọi thủ tục liên quan”, ông Nguyễn Minh Tuấn nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Lục, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) cho rằng, hiện nay, học sinh học xong lớp 9 đều được đánh giá quá trình học tập qua học bạ. Các em không phải thi tốt nghiệp THCS nên việc cấp bằng tốt nghiệp THCS chỉ mang ý nghĩa thủ tục.
Cùng với đó, Chương trình GDPT 2018 hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực học sinh qua quá trình, do đó đánh giá thường xuyên, đánh giá tổng hợp quan trọng hơn là một văn bằng.
Việc bỏ cấp bằng THCS đồng thời giảm áp lực hành chính cho cơ quan quản lý giáo dục, giảm thủ tục cho học sinh và phụ huynh. Giao quyền xác nhận hoàn thành chương trình cho hiệu trưởng trường THCS giúp quy trình linh hoạt, gọn nhẹ, nhanh chóng, phù hợp với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An), cô Phạm Thị Nhung, giáo viên Ngữ văn, trường PTDTBT THCS Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhận định: Việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao cho hiệu trưởng xác nhận việc hoàn thành chương trình THCS giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí và tăng quyền tự chủ cho đơn vị giáo dục.
Khi hiệu trưởng xác nhận kết quả học tập sẽ sát với thực tế quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Việc trực tiếp xác nhận học bạ của học sinh sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho nhà trường; giảm bớt giấy tờ trong việc lưu trữ hồ sơ cho cả nhà trường và người học; giúp người học giảm thiểu sai sót thông tin cá nhân trên các giấy tờ liên quan đến học tập.
Theo thống kê ngành Giáo dục, hằng năm ước tính trung bình khoảng 1.400.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Chi phí cho 1 phôi văn bằng là 5.000 đồng. Chi phí in, quản lý cấp phát bằng là 5.000 đồng/văn bằng. Vì vậy, ước tính 1 năm chi phí để in, cấp phát, quản lý bằng tốt nghiệp THCS là 14.000.000.000 đồng/năm