Nhiều lựa chọn theo đuổi ngành, nghề tương lai

05/08/2023, 07:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phụ huynh nên căn cứ vào năng lực cá nhân và khả năng học tập của con, cùng con lựa chọn ngành, trường phù hợp.

Cơ hội công bằng cho tất cả

Theo anh Hoàng Danh Ngọc, chương trình đào tạo ở cao đẳng được thiết kế theo hướng cung cấp một số kiến thức nền tảng có thể áp dụng ngay vào bài thực hành, thực tế do đó dễ tiếp thu. Hơn nữa, với lượng kiến thức vừa sức này, sinh viên có thể tìm hiểu và làm thêm, trải nghiệm môi trường thực tế ở ngoài để không bị lạc hậu.

Anh Ngọc dẫn chứng: “Hiện nay, tình trạng thừa thầy thiếu thợ rất nhiều. Ví dụ trong ngành công nghiệp đang phát triển, đang “nóng”, cần một lực lượng nhân lực có kiến thức kỹ thuật, kỹ năng rất lớn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo của các trường hiện nay lại nghiêng về đào tạo lực lượng lớn quản lý sản xuất, quản đốc sản xuất, giám sát sản xuất.

Những vị trí này đều được thăng cấp từ vị trí kỹ thuật viên, thợ có kỹ năng tốt nhưng chưa hoàn thiện kỹ năng quản lý. Như vậy, nếu bạn chứng minh được năng lực, khả năng, kỹ năng và chủ động trong công việc thì không hề thiếu cơ hội mà còn có thể tạo được lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động”.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Dương Đức Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội - cho biết: “Đối với cao đẳng nghề sau ba năm đào tạo, sinh viên được trang bị kiến thức để có thể đáp ứng được yêu cầu việc làm. Ở bậc cao đẳng, thời lượng học kiến thức lý thuyết chiếm 40%; còn lại 60% là học thao tác thực hành.

Vì vậy, 100% sinh viên sau hai năm học ở trường được nhiều doanh nghiệp mời đến thực tập từ 4 - 5 tháng (trong số các doanh nghiệp đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, có công nghệ rất tiên tiến tạo cơ hội học tập, nghiên kỹ thuật hiện đại). Nhờ vậy, nhiều em sau khi thực tập xong đã được ký hợp đồng làm việc; hay nhiều cựu sinh viên của chúng tôi sau 2 - 3 năm làm việc đã được bồi dưỡng lên vị trí quản lý, đốc công... và nhiều em đã tiếp tục học lên cao hơn”.

Theo PGS Dương Đức Hồng, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội sau khi tốt nghiệp có thể liên thông lên đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội còn liên kết với nhiều trường như Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Công nghiệp… do đó sinh viên có thể hoàn toàn yên tâm học tập và tìm kiếm cơ hội cho mình.

“Chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, không phải ai tốt nghiệp đại học cũng tìm được việc làm phù hợp. Do đó, phụ huynh, học sinh nên căn cứ vào sức học, năng lực cá nhân để lựa chọn ngành, trường học phù hợp với con em mình, không nhất thiết phải vào đại học mới có công việc như mình mong muốn”, PGS.TS Dương Đức Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-lua-chon-theo-duoi-nganh-nghe-tuong-lai-post649136.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-lua-chon-theo-duoi-nganh-nghe-tuong-lai-post649136.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều lựa chọn theo đuổi ngành, nghề tương lai