Chuyên gia tuyển sinh Trường Đại học Gia Định tư vấn thông tin ngành, nghề cho học sinh trong năm học 2023 -2024. Ảnh: GDU |
Mới đây, Trường Đại học Kiên Giang tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp năm 2024 với chủ đề “Chiến lược chọn ngành phù hợp trong kỷ nguyên số”. Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang, sinh viên ra trường trong “kỷ nguyên số” phải có nhiều kỹ năng của thời đại mới, trong đó có năng lực giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, khả năng học tập suốt đời, thuyết trình, phản biện…
TS Khanh cho biết, trong năm 2024, nhà trường dự kiến mở 2 ngành mới là Thương mại điện tử và Truyền thông đa phương tiện, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong chương trình đào tạo, nhà trường theo hướng ứng dụng, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên sớm được cọ xát, làm dự án, trau dồi các kỹ năng. Ngoài ra, việc đánh giá kết quả học tập cũng đổi mới theo hướng không chỉ chú trọng kiến thức đơn thuần mà còn theo năng lực.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM gợi ý một số ngành có nhu cầu nhân lực lớn trong kỷ nguyên số như: Nhóm ngành Công nghệ thông tin (chuyên ngành An toàn thông tin, An ninh mạng, Khoa học dữ liệu…); Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa; nhóm ngành Môi trường; Kỹ thuật ô tô; Kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, một số ngành mang tính truyền thống (chẳng hạn Kế toán), nhu cầu nhân lực có thể không còn nhiều nhưng sinh viên vẫn có cơ hội phát triển nếu biết tích hợp kiến thức về công nghệ, ngoại ngữ.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyên học sinh chọn ngành “hot” trong kỷ nguyên số phải tỉnh táo và thông minh; không chạy theo trào lưu, “mách bảo” khi chưa có đầy đủ thông tin về ngành học, cơ hội việc làm. Lựa chọn ngành nghề, con đường học tập phải theo các tiêu chí về năng lực, sở thích, nhu cầu thị trường và điều kiện kinh tế của gia đình.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh khác cũng khuyên học sinh không nên chọn nghề theo xu hướng, đám đông. Những ngành năm nay có thể “hot” nhưng 3 - 4 năm sau không còn nhiều nhu cầu nhân lực. Muốn chọn trường, ngành, học sinh cần tính toán yếu tố năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, nhóm ngành Công nghệ thông tin, Thực phẩm, Nông học, Công nghệ cao vẫn có khả năng tăng trưởng mạnh trong tương lai. Ở khối ngành Khoa học xã hội, Tâm lý học, Xã hội học… vẫn có cơ hội phát triển bởi robot chưa thể thay thế con người trong các công việc này.