“Ngay khi nhận thông báo nộp thuế, gia đình tôi đã nộp đầy đủ, không hiểu vì sao cơ quan thuế yêu cầu chậm nộp. Số tiền chậm nộp rất ít nhưng tôi cần được biết rõ lí do chậm nộp”, chị N. cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, ông Trần Đình Lưu, tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội cho biết, thuế đất phi nông nghiệp hàng năm tổ dân phố thu theo giấy báo của Chi cục thuế, sau đó phường sẽ tổng hợp các tổ nộp lên, thống kê và Chi cục thuế trả lại hóa đơn trả cho dân. Kì thu thuế năm nay, tiền phạt chậm nộp thuế 5.000-7.000 – 10.000 đồng rất nhiều, thậm chí có những nhà năm nào cũng nộp thuế nhưng lại “bất ngờ” nhận được giấy báo nợ mấy trăm nghìn tiền nợ thuế.
Ông Lưu cho biết thêm, nhiều người dân thắc mắc về việc bất ngờ nhận thông báo nợ thuế nhưng cũng không được giải thích, hỏi lên trên cũng chỉ nhận được những câu trả lời “chả đâu vào đâu” nên dân rất bức xúc.
“Tôi đã hỏi những trường hợp như vậy, Chi cục thuế trả lời là những trường hợp đã rút hồ sơ về Phòng Tài nguyên môi trường, có thể là có sự chuyển đổi chủ sở hữu. Ví dụ, năm nay thửa đất sang tên đổi chủ thì bên Chi cục thuế báo hóa đơn thu tiền theo tên người mới nhưng mọi năm, có khi người ta chuyển đi mấy chục năm vẫn báo thuế theo tên chủ cũ trong khi sổ đỏ mang tên chủ mới. Hoặc có những gia đình trước kia có 1 thửa đất nhưng sau đó họ tách ra cho con một nửa, giữ lại một nửa, khi thu thuế ông bố đóng tiền thuế của cả mảnh đất đó nhưng bây giờ người con lại nhận được giấy báo nợ thuế của chi cục thuế”, ông Trần Đình Lưu nói.
Trước thắc mắc của người dân về số tiền chậm nộp thuế, một cán bộ Chi cục thuế quận Long Biên cho biết, ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, người dân phải ra cơ quan thuế kê khai để nộp thuế lần đầu. Từ năm thứ 2 trở đi, người dân nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 1 lần trong năm, chậm nhất ngày 31/10.
“Tiền chậm nộp thuế của chị N do chậm nộp thuế năm 2021. Từ năm 2022 sau khi cập nhật trên hệ thống, chị N đã nộp đầy đủ thuế. Từ năm 2023 trở đi, người dân có số tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp dưới 50.000 đồng được miễn, không phải đóng thuế”, cán bộ Chi cục thuế quận Long Biên cho biết.
Nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất là một trong những nghĩa vụ mà người sử dụng đất cần thực hiện trong quá trình sử dụng đất. Đối với đất ở, người sử dụng đất cần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hằng năm theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhất là những hộ sử dụng đất phi nông nghiệp ít khi quan tâm đến việc đóng thuế này vì nhiều lý do, mà theo nhiều người là không nghe địa phương yêu cầu. Trong khi theo quy định, tất cả đất không phục vụ cho mục đích nông nghiệp đều nằm trong diện chịu thuế nhà đất. Các đối tượng chịu thuế nhà đất gồm đất nằm trong khu dân cư ở thành thị và nông thôn, kể cả đất chưa xây nhà ở nhưng đã được cấp giấy phép, vẫn phải đóng thuế nhà đất.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính – thuế, việc thu thuế đất phi nông nghiệp trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập. Một phần có thể do người dân không để ý đến khoản thuế này, nhưng một phần cũng là do các chi cục thuế giao cho các phường, xã và thực hiện không tốt. Thời gian tới, cần chấn chỉnh, thay đổi để việc đóng thuế đất được đầy đủ, chính xác.
“Bây giờ là thời kỳ số hóa, tất cả các thông báo tiền điện, internet, điện thoại đều được thông báo bằng tin nhắn. Việc thông báo thu thuế đất phi nông nghiệp cũng nên thông báo trực tiếp qua tin nhắn đến số định danh cá nhân của các chủ hộ gia đình để mọi người biết và đóng thuế, vì đa số số tiền thu thuế đất này ổn định qua các năm chứ không có sự thay đổi gì nhiều. Việc thông báo qua tin nhắn như thế này sẽ giảm thiểu được rất nhiều công mà đầy đủ, chính xác, kịp thời. Việc rất đơn giản nhưng bao nhiêu lâu nay không giải quyết dứt điểm làm bản thân người nộp thuế bức xúc mà ngành Thuế cũng bị thất thu thuế vì chính sự tắc trách”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn.
Cùng quan điểm, ông Trần Đình Lưu cho rằng, cần có sự phối hợp, liên thông giữa các đơn vị liên quan để tránh tình trạng “vênh” nhau về mặt dữ liệu như hiện nay.
“Giữa Phòng Tài nguyên môi trường và Chi cục thuế địa phương cần có sự liên thông, chứ như hiện nay ngành Thuế làm theo dữ liệu của ngành Thuế, Phòng Tài nguyên môi trường làm theo dữ liệu của bên tài nguyên môi trường nên cơ quan thuế vẫn quản theo người chủ cũ trong khi dữ liệu của tài nguyên môi trường lại sang tên cho chủ mới. Nếu có sự phối hợp giữa các đơn vị thì sẽ không xảy ra tình trạng người cần nộp thuế lại không nhận được thông báo nộp thuế hay bất ngờ nhận thông báo nợ thuế như vừa qua”, ông Trần Đình Lưu đề xuất.