Học sinh Trường Mầm non Hoa Ban, TP. Điện Biên Phủ tham gia sân chơi “Vua tiếng Anh”. |
Cũng theo bà Phạm Thúy, mỗi giờ học trung tâm luôn bố trí 2 giáo viên đứng lớp. Chi phí để lựa chọn giáo viên người nước ngoài kèm trợ giảng người Việt là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Mặc dù được đánh giá là hợp lý, song với nhiều phụ huynh ở các huyện thì đây là số tiền lớn. Do vậy, đa phần bà con chưa có nhu cầu hoặc không mặn mà.
Bên cạnh đó, với số lượng giáo viên hiện có, trung tâm chỉ có thể bố trí, tổ chức giảng dạy tại một số địa bàn thuận lợi. Việc phải di chuyển, bố trí giáo viên đến các trường vùng sâu, vùng xa, nhiều điểm lẻ giảng dạy còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Bà Trần Thị Thúy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT Điện Biên) cho hay, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Trên cơ sở đó, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan. Các cơ sở giáo dục mầm non chỉ tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh khi có đủ điều kiện theo quy định và cha mẹ trẻ có nhu cầu. Tuy nhiên, với nhiều đặc thù mang tính vùng miền, quá trình triển khai gặp không ít rào cản, vướng mắc.
Ngoài ra, theo quy định thì các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có vị trí việc làm cho giáo viên tiếng Anh. Do vậy, hiện những cơ sở này đều phải thực hiện hợp đồng với các trung tâm có giáo viên tiếng Anh hoặc giáo viên có đủ điều kiện.
Trong khi đó, số lượng giáo viên có đủ điều kiện để tham gia giảng dạy lại hạn chế. Việc bố trí nhân lực, nhất là đến các điểm trường lẻ rất khó khăn. “Nếu muốn mở rộng, các địa phương sẽ cần sự đầu tư không nhỏ, đặc biệt là về tài chính và nhân lực”, bà Thúy cho hay.
“Theo quy định hiện nay thì các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có biên chế để dạy tiếng Anh cho trẻ, kinh phí là do cha mẹ đóng góp. Trong khi, phụ huynh ở các địa bàn này lại đa phần là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn nên nhu cầu hạn chế”, bà Trần Thị Thúy cho hay.