Theo thầy Trần Bảo Tú, giáo dục truyền thống văn hóa, bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản sẽ giúp học sinh có tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với cộng đồng. Đồng thời, hoạt động đó làm phong phú các nội dung giáo dục trong nhà trường, vận dụng lý thuyết đã học gắn với thực tiễn, đời sống, xã hội, góp phần giáo dục cho học sinh nhân cách con người mới có tri thức và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi.
“Tôi mong muốn thế hệ đi trước phối hợp với nhà trường có kế hoạch tổ chức tập luyện cho các em học sinh và các điểm trường khác về văn hóa cồng chiêng và các điệu múa để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào mình. Hoạt động này còn góp phần xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững”, thầy Tú kiến nghị.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My - cho biết, từ khi đưa nội dung giáo dục văn hóa địa phương vào trường học, không chỉ các em học sinh, mà các phụ huynh cũng rất đồng tình.
“Việc giảng dạy văn hóa địa phương ngay từ cấp tiểu học đang góp phần rất lớn vào quá trình hình thành nhân cách, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Đó cũng là cách gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của quê hương cho các thế hệ kế thừa”, ông Tú cho hay. Không chỉ được tìm hiểu lịch sử, địa lý địa phương, các em còn được học về tính cách và văn hóa của người Quảng Nam, các lễ hội, làng nghề truyền thống, các món đặc sản của quê mình… Các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh như: Di tích An ninh Khu 5… đã được các giáo viên các trường giới thiệu cụ thể, chi tiết đến học sinh.
“Không dừng lại ở việc giảng dạy trong lớp, các trường còn kết hợp các giờ ngoại khóa để tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử - văn hóa địa phương. Việc được học và mục sở thị các di tích làm cho học sinh càng thêm thích thú, hăng say học tập. Từ đó, văn hóa địa phương ngấm dần vào các em, bồi đắp tình yêu quê hương, khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa quê hương”, ông Tú chia sẻ.
“Trong bối cảnh giao thoa và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, việc gắn công tác giáo dục với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là cách làm sáng tạo, hiệu quả mà nhà trường đã thực hiện thường xuyên trong thời gian qua”, ông Tú nhấn mạnh.
"Tại Góc địa phương, hiện vật đều được ghi chú bằng tiếng Việt. Vì vậy, trẻ có thể tìm những chữ cái đã học. Bên cạnh đó, tại đây còn tích hợp được nhiều môn học khác nhau như tạo môi trường để trẻ làm quen với trang phục truyền thống, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của dân tộc mình. Từ đó, kích thích hứng thú học tập, khả năng tìm tòi và khám phá môi trường xung quanh của trẻ", cô Nguyễn Thị Hường cho hay.