Sau 3 trận mưa lớn vừa qua, hàng chục nghìn mét khối đất đá sạt lở gây ách tắc kéo dài trên nhiều tuyến đường ở tỉnh Điện Biên.
Trong 3 đợt mưa đầu mùa, tại tỉnh Điện Biên xảy ra nhiều điểm sạt lở, khiến hàng chục nghìn mét khối đất đá vùi lấp mặt đường và cống, rãnh thoát nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong vài ngày tới, Điện Biên vẫn nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao với lượng mưa từ 15-30mm/24h, cục bộ có nơi trên 80mm/24h (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
Ông Bùi Thanh Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT Điện Biên cho biết, từ đầu mùa mưa, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra nhiều đợt mưa lớn, kéo dài, gây ra lũ ống, sạt lở đất. Đặc biệt là các đợt mưa từ 9 - 11/5; từ 1 - 20/6 và đợt mưa từ 1 - 8/7.
Sở GTVT Điện Biên đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ngành GTVT. Trong đó nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của Ban chỉ huy trong việc tham mưu cho Giám đốc Sở GTVT thực hiện nhiệm vụ được giao về PCTT&TKCN.
"Từ 15/4 đến hết 31/10, các đơn vị quản lý đường bộ sẽ tập trung máy móc, nhân lực, vật tư dự phòng trực đảm bảo giao thông 24/24h để kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra", ông Hiếu cho biết thêm.
Qua quan sát và đo đạc của cơ quan chức năng, tổng khối lượng sạt lở taluy dương, tràn lấp nền mặt đường được xác định khoảng 90.800m3; tổng khối lượng đất, bùn bồi lấp cống, rãnh dọc là 14.300m3.
Mưa lũ còn làm sạt 180m taluy âm; xói lở 170m lề đường và hư hỏng 220m2 mặt đường.
Để kịp thời xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra trên các tuyến đường, UBND tỉnh Điện Biên đã giao Sở GTVT; UBND các huyện, thành phố; đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung giải pháp ứng phó với thiên tai.
Mục đích nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn; hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các địa phương chủ động cảnh báo, di dời người dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất; không để xảy ra tình trạng giao thông ách tắc kéo dài.