“Có thể bổ sung một quy định với hoạt động kiểm toán độc lập, như kiểm toán chéo, có đơn vị Nhà nước kiểm toán tiếp. Quy trình kiểm toán như với SCB, có sự tham gia của các công ty kiểm toán độc lập hàng đầu thế giới, thanh tra Ngân hàng Nhà nước,… khá chặt chẽ, nhưng vẫn phát sinh tiêu cực do vấn đề con người, tham ô, hối lộ”, ông Huân phân tích.
Theo Bộ Tài chính, đến ngày 29/2/2024, cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.343 kiểm toán viên hành nghề. Năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng cho biết, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: Năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Lấy ví dụ về vụ SCB, Bộ trưởng cho biết, những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đều vi phạm. Cái này do kiểm toán viên, chứ không phải từ công tác quản lý. Ông Phớc khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, có tình trạng công ty kiểm toán chưa kiểm tra đầy đủ độ tin cậy của tài liệu, thông tin từ khách hàng cung cấp để làm bằng chứng kiểm toán. Một vài hồ sơ chưa xem xét đầy đủ rủi ro, gian lận trong việc ghi nhận doanh thu, chưa phù hợp với rủi ro thực tế của khách hàng. Các thủ tục kiểm toán được thiết kế chưa phù hợp với rủi ro được đánh giá…