“Chiến thắng của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là chiến thắng của lòng dân. Nếu không có sự đồng lòng hỗ trợ của nhân dân chắc chắn không có kỳ tích diễn ra. Để làm bãi tiếp nhận vũ khí, 800 hộ dân Vàm Lũng phải di dời nhà cửa từ ven biển vào sâu trong rừng, dù việc mưu sinh khó khăn nhưng tất cả đều ủng hộ, đồng tình. Có thời điểm, khi tàu cập bến, vì bảo vệ bí mật, không để kẻ thù phát hiện, người dân không được ra ngoài mua bán, phải bám trụ trong rừng cùng bộ đội để ra sức bảo vệ bến, có lúc phải ăn trái mắm thay cơm, thiếu nước ngọt... Tại Tân Ân, người dân cưu mang, che giấu một tổng kho có sức chứa lúc cao nhất lên tới hơn 1.000 tấn vũ khí, đạn dược. Năm 1963, có một chuyến tàu bị mắc cạn, lập tức bà con được huy động để chuyển hàng và vũ khí. Tổng kho này cách chi khu Năm Căn của địch khoảng chục cây số, vậy mà chúng chẳng thể phát hiện ra. Thế nên, bến Vàm Lũng chính là “Bến cảng lòng dân”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy bùi ngùi nhớ lại.
Tượng đài di tích bến Vàm Lũng. |
Vị đại tá về hưu chia sẻ thêm, vùng đất Tân Ân, Ngọc Hiển bấy giờ người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề biển, nguồn lợi tôm cá nhiều lắm, nhưng họ vẫn hy sinh nguồn lợi kinh tế vào rừng ở nhường chỗ cho việc lập bến tiếp nhận vũ khí, phải nói sự hy sinh cho cách mạng rất lớn lao. “Đa số chiến sĩ của cụm bến Cà Mau đều là người xứ Tân Ân, Ngọc Hiển nên cuộc đời họ lúc nào cũng gắn bó máu thịt với biển, với rừng như cây mắm, cây đước bám rễ sâu vào lòng đất. Bến Vàm Lũng là một bến cảng giữa rừng, nhờ trái tim người lính và tấm lòng nhân dân cắm chặt với đất, với rừng nên không gì có thể hủy hoại được”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy xúc động khẳng định.
Đường Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 1 về tận Khu du lịch Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. |
Vàm Lũng là bến tiếp nhận con tàu không số đầu tiên và cũng là bến cuối cùng trong hệ thống các bến, cảng đón nhiều nhất các “đoàn tàu không số”. Với giá trị, ý nghĩa lịch sử đặc biệt, ngày 10/11/2010 di tích bến Vàm Lũng thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hiện tại, khu di tích được xây dựng nằm gần trung tâm hành chính huyện Ngọc Hiển. Công trình gồm tượng đài chính cao hơn 10 mét thể hiện năm tháng ghi dấu sự kiện, hai phù điêu hai bên có hình 2 con tàu đang vượt sóng và khu nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh liên quan đến di tích. Đây không chỉ là nơi để những người từng trực tiếp mở đường lập bến và giữ bến tìm đến để hoài niệm mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ tỉnh Cà Mau.
Được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, khu vực bến Vàm Lũng (xã Tân Ân) nói riêng, huyện Ngọc Hiển nói chung đang từng ngày thay đổi diện mạo. Ông Đặng Hoàng Xứng ngụ khóm 8, thị trấn Gạch Gốc, Ngọc Hiển cho biết, những năm gần đây đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân Tân Ân, Gạch Gốc cải thiện hơn rất nhiều. Đặc biệt hạ tầng giao thông được đầu tư giúp đi lại thuận tiện hơn, trường lớp xây dựng khang trang, điện lưới quốc gia đến từng xóm, ấp... khiến bà con rất phấn khởi.
Anh Phạm Lê Hiệp, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, sau nhiều năm, anh mới trở lại Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) tham quan. Lần trở lại mới đây anh thấy tốc độ phát triển hơn rất nhiều, nhất là về hạ tầng giao thông. “Từ TP Cà Mau mình đi thẳng xuống Khu du lịch Đất Mũi bằng xe ô tô không phải qua chiếc phà nào, ngày xưa phải đi bằng phương tiện thủy. Nhà cửa ở đây cũng mọc lên ngày càng nhiều, xây dựng kiên cố, khang trang hơn. Chỉ có một việc không thay đổi là người dân Đất Mũi vẫn rất thân thiện, mến khách”, anh Hiệp vui vẻ nói.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Cà Mau, về thăm Đất Mũi vào đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo chính quyền và nhân dân phấn đấu phát triển vùng Đất Mũi xứng tầm là vùng đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc và tạo đà tăng trưởng kinh kế để huyện Ngọc Hiển sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện Ngọc Hiển đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
“Tính đến nay, Ngọc Hiển đạt được 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Y tế - văn hoá – giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống. Tổng số tiêu chí của 5 xã đạt 77/95 tiêu chí, bình quân đạt 15,4 tiêu chí/xã. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Hiển đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra”, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển bày tỏ tinh thần quyết tâm của địa phương.
“Năm tháng qua đi, bến Vàm Lũng đã có nhiều đổi thay, nhiều bạn bè, đồng chí, đồng đội năm xưa không còn gặp lại, song, màu xanh của rừng, biển và sự chân chất của lòng người nơi đây vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Chiến công anh dũng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của những con tàu không số, của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như một mốc son chói lọi và sống mãi trong lòng quân, dân Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung”, Đại tá Khưu Ngọc Bảy chia sẻ.