Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, vải thiều là trái cây mọng nước, vị ngọt thanh được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn vải nhiều được bởi nó có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Vải có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, nhưng không nên ăn quá nhiều vải và không phải ai cũng ăn được. Vải có tính nóng, vị ngọt và chứa nhiều đường nên một số người cần hạn chế ăn vải.
Trong 100g vải chứa tới 15,2g đường - đây là hàm lượng vô cùng lớn. Người bệnh ăn phải sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Trong cùi trái vải chứa nhiều đường glucoze, ăn nhiều vải khiến lượng đường vào máu vượt quá khả năng hấp thu, chuyển hóa của gan, làm đường huyết tăng nhanh.
Điều này không tốt với những người bị bệnh tiểu đường, nó có thể gây ra choáng váng, ra nhiều mồ hôi lạnh, buồn nôn, gây sốt cho người bệnh. Do đó, người tiểu đường được khuyến cáo nên hạn chế ăn vải thiều.
Hệ tiêu hóa của trẻ em còn, chưa hoàn thiện hoàn toàn, do đó cha mẹ cần chọn lựa và cân nhắc thật kỹ những loại thực phẩm trước khi cho trẻ ăn. Quả vải có vị ngọt thanh nên trẻ thường rất thích ăn. Cha mẹ không nên vì thế mà chiều chuộng và để bé ăn quá nhiều.
Trẻ nhỏ ăn quá nhiều vải sẽ gây rối loạn trong quá trình chuyển hóa đường, gây nóng trong người dẫn đến khó tiêu, nổi rôm sảy và có thể gây sốt cao. Do đó, chỉ nên ăn khoảng 5-6 quả trong 1 lần ăn là đã cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Bệnh tự miễn dịch là hiện tượng hệ miễn dịch rối loạn, chúng tấn công các tế bào lành tính xung quanh và làm tổn thương cơ thể. Trong khi đó, vải chứa nhiều vitamin C và hoạt chất chống oxy hóa mạnh, vì thế, với người mắc bệnh tự miễn dịch, ăn nhiều vải sẽ làm tăng các triệu chứng bệnh như đa xơ cứng tế bào thần kinh, lupus, viêm khớp dạng thấp.
Vải chứa nhiều hợp chất pectin, chất xơ giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả. Lượng đường từ vải hấp thụ vào cơ thể nhiều đáng kể, khiến cơ thể tích tụ nhiều mỡ thừa, đồng thời giữ nước trong cơ thể làm các cơ quan dễ bị phù nề, thừa cân.
Cơ thể của những người mẫn cảm thường rất nhạy, họ dễ bị dị ứng khi thời tiết thay đổi cũng như cơ thể sẽ phản ứng lại với những đồ ăn dưỡng chất lạ.
Trong vải có hàm lượng đường cực kỳ cao, khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ sản sinh nhiều vi khuẩn gây hại khiến bị nổi rôm sảy, da bị mẩn đỏ, hoặc thậm chí là dẫn đến tiêu chảy, ói mửa, hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, suy hô hấp…
Trung bình mỗi lần bạn chỉ nên ăn khoảng 10 trái, mỗi tuần ăn khoảng 3 lần là đã đủ cung cấp những dưỡng chất cần thiết.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thủy đậu là do phong nhiệt. Vải là một loại trái cây có khả năng gây nhiệt cao, gây nóng trong người. Vì thế nếu người bệnh ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ gây bội nhiễm và những biến chứng xấu.
Bên cạnh đó, với tính nóng, quả vải có thể làm mất sự cân bằng của cơ thể, gây ra những triệu chứng khác như nổi nhiệt miệng, nóng trong người, nổi mụn. Thủy đậu gây cho người bệnh nhiều biến chứng về da và gây khó chịu, mất thẩm mỹ.
Chế độ ăn uống của phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ là cực kỳ quan trọng và cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Với hàm lượng đường cao, nếu ăn quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể thai phụ, khiến đường huyết tăng vọt, gây khó sinh, tăng nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng sau sinh.
Phụ nữ mang thai thường có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với người bình thường do chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển toàn diện.
Chuyên gia khuyến cáo, quả vải là loại trái cây phổ biến, được nhiều người ưa chuộng trong mùa hè nóng bức. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên tiêu thụ vải với lượng hợp lý để phòng tránh những tác hại từ loại quả này khi ăn quá nhiều.