Theo y học cổ truyền, nấm có vị ngọt, tính mát, nếu dùng nhiều và lâu dài có thể dẫn đến lạnh bụng, khó tiêu. Những người tì vị hư nhược, khi ăn hay đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện lỏng, phân nát thì không nên dùng.
Sự nguy hiểm khi ăn nhầm nấm độc
Thống kê cho thấy 95% ngộ độc nấm là do nhầm lẫn, không phân biệt được nấm lành, nấm độc và 5% do chủ quan của người ăn nhầm nấm bị biến chất, hư hỏng trong quá trình bảo quản. Đun, nấu, đông lạnh hoặc chế biến đều không làm giảm độc tính của nấm. Trẻ em, người già yếu, suy nhược thường dễ bị ngộ độc hơn những người trẻ khỏe mạnh.
Các độc chất trong nấm có nhiều loại, thường là gây kích ứng đường tiêu hóa, hủy hoại tế bào gan, thận, làm tê liệt thần kinh. Đặc biệt, với những người khi uống rượu kèm ăn nấm thì nguy cơ ngộ độc rượu tăng lên vì sự tích tụ quá cao của lượng aldehyd trong máu, gây cảm giác nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đánh trống ngực và khó thở, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Nếu sau khi ăn nấm mà bị nôn mửa, toàn thân mệt mỏi, đi tiêu nhiều lần trong ngày thì đó là triệu chứng ngộ độc, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí nhanh chóng và kịp thời. Để lâu mức độ ngộ độc nặng hơn có thể trụy tim mạch hoặc tử vong.
Thận trọng khi chọn nấm
Khi mua nấm nên chọn loại non và tươi. Nên mua ở những cơ sở có uy tín. Tốt nhất nên dùng nấm trong 12 giờ sau khi thu hái. Đối với đồng bào ở miền núi, trong rừng có rất nhiều loại nấm nên lưu ý, đa số nấm độc có nhiều màu sắc đẹp, sặc sỡ, hay mọc nơi ẩm ướt và môi trường ô nhiễm, nhất là vào mùa mưa. Trong nấm độc chứa nhiều nước màu trắng đục giống sữa bò. Đun nấu trong vật dụng bằng bạc hoặc kim loại, nấm độc có thể biến vật dụng này thành màu đen.
Cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên ăn nấm khi không biết đó là nấm lành hay nấm độc để tránh những vụ ngộ độc chết người do nấm gây ra.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Những ai không nên ăn nấm?". Hãy ăn nấm đúng cách để tốt cho sức khỏe nhé.