Theo Tiến sĩ Nông Thị Anh Thư, tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y - Dược không đơn giản là chuyển tải kiến thức cho học sinh mà còn là việc gắn với thực hành của sinh viên cũng như kết nối với hoạt động khám và điều trị cho bệnh nhân của Bệnh viện Đại học Y Dược Thái Nguyên. Xuất phát từ thực tiễn công việc đã trở thành suối nguồn nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong nữ giảng viên.
Đến với NCKH bắt đầu từ cỏ cây, hoa, lá dược liệu, những bài thuốc quý gia truyền, bản địa của đồng bào dân tộc Nùng các tỉnh phía Bắc đã được Tiến sĩ Thư đưa vào phân tích và nghiên cứu chuyên sâu bằng kỹ thuật Y-Sinh hiện đại, kết hợp khoa học ngành Dược, Y học cổ truyền đã bào chế và chiết suất thành dược phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao.
Tiến sĩ Thư chia sẻ: “Công việc của tôi gần như hoạt động độc lập, khi lên rừng, lúc vào phòng thí nghiệm để tìm ra những thành phần hóa dược và các hoạt chất trong thảo dược để phục vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiệm vụ NCKH còn làm sáng tỏ những điều mà thuốc gia truyền từ xưa để lại khi chưa có đủ các thuyết minh, phân tích khoa học, đồng thời góp phần gìn giữ và phát triển, không bị thất truyền”.
Năm 2020, tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên, sản phẩm ứng dụng công nghệ “Sản xuất Gel bôi nhiệt miệng VIMIGEL từ dược liệu Pác lừ ” của Tiến sĩ Thư cùng các cộng sự đã vượt qua 123 ý tưởng và giành giải Nhất. Sau đó, Tiến sĩ Thư đã bắt tay vào nghiên cứu sâu các loại thảo dược đem lại nhiều kết quả hữu ích cho lĩnh vực Dược phẩm.
Đến nay, Tiến sĩ Nông Thị Anh Thư đã tham gia 12 đề tài NCKH các cấp, trong đó có 2 đề tài NCKH cấp Bộ và có hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành cũng như các tạp chí khoa học công nghệ trong nước. Thành công mà Tiến sĩ Thư đạt được chính là từ sự đam mê, chấp nhận những thiệt thòi của bản thân để dành cho NCKH.
Bước chân vào NCKH phụ nữ luôn gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn nam giới. Bởi lúc này họ phải làm tròn 2 vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, cùng đam mê, sự kiên trì và được gia đình cảm thông, ủng hộ các nhà khoa học nữ tiêu biểu của Đại học Thái Nguyên đã nỗ lực không mệt mỏi trong nghiên cứu với nhiều thành tích nổi bật, luôn được đồng nghiệp và sinh viên yêu quý.
Trong số gần 4.000 cán bộ, giảng viên và người lao động của Đại học Thái Nguyên, hiện có gần 60% là nữ. Đặc biệt, nữ cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ chiếm gần 50% trong số gần 800 tiến sĩ toàn Đại học, trong đó có 61 tiến sĩ là người dân tộc thiểu số). Nữ cán bộ có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm tỉ lệ 30% (trong đó có 11 nữ là người dân tộc thiểu số).... |