Quy hoạch

Những cây cầu bắc qua sông Lam

Đức Hùng 10/06/2024 12:33

Năm cầu bắc qua sông Lam gồm Bến Thủy I và II, Yên Xuân, Cửa Hội, Hưng Đức đã kết nối Nghệ An với Hà Tĩnh, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Sông Lam bắt nguồn từ cao nguyên Xiangkhoang của Lào, phần chính chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh và đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Hội. Sông dài khoảng 520 km, đoạn chảy qua Việt Nam khoảng 360 km. Ảnh trên là đoạn sông hình vòng cung qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP Vinh, thị xã Cửa Lò (Nghệ An).

Cầu Cửa Hội dài 5,2 km, phần cầu chính 1,7 km, bề rộng cầu chính 18,5 m, bề rộng cầu dẫn 16 m. Ở phía Nghệ An, công trình nằm trên phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), đầu còn lại ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Công trình khởi công tháng 2/2019, tổng đầu tư 950 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 450 tỷ đồng và 500 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 250 tỷ đồng).

Dự án khánh thành ngày 14/3/2021.

Điểm nhấn kiến trúc cầu Cửa Hội là hình búp sen nằm trên trụ bêtông. Trụ này lắp dây văng dẫn xuống phía dưới. Cầu có 22 trụ, 85 phiến dầm Super-T với nhịp Extradosed 153 m - dài nhất cả nước hiện nay.

Cầu Cửa Hội góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực, kết nối với quốc lộ 8B, quốc lộ 1 và giảm tải cho quốc lộ 1.

Xưa kia khu vực Bến Thủy, nối TP Vinh (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là nơi diễn ra hoạt động giao thương nhộn nhịp, được bố trí nhiều đò gỗ, 3 bến phà và một cầu phao để qua sông.

Cách trở về sông nước khiến kinh tế, xã hội ở hai bờ sông Lam chia làm hai cực phát triển. TP Vinh với nền tảng là đô thị lớn, có nhiều khu công nghiệp, hoạt động buôn bán, giao thương luôn diễn ra nhộn nhịp. Trong khi đó huyện Nghi Xuân ở bờ đối diện vẫn là "ốc đảo" heo hút, kinh tế tụt hậu, nhà cửa thưa thớt, gió Lào thổi cát trắng bay mù mịt.

Từ sau năm 1985, nhà chức trách bắt đầu lên kế hoạch xây các cây cầu để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội hai bên bờ sông Lam. Trong ảnh là cầu Bến Thủy (cầu I) và cầu Bến Thủy II, tháng 6/2024.

Cầu Bến Thủy I dài 630,5 m, rộng 12 m, gồm 13 nhịp, nối phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An) với thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) theo hướng Bắc - Nam. Công trình xây năm 1986, khánh thành năm 1990. Đây là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Lam, lớn thứ hai cả nước, sau cầu Thăng Long ở Hà Nội được xây dựng sau năm 1975.

Ngành giao thông và các thế hệ lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều đánh giá cầu Bến Thủy I là công trình thế kỷ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ Tĩnh cũng như các tỉnh miền Trung thời bấy giờ.

Hiện tại hai cầu đều đặt trạm BOT ở phía bờ bắc thuộc tỉnh Nghệ An để thu phí hoàn vốn cho dự án mở rộng quốc lộ đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh. Dự án đường trên do CIENCO 4 làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 2.430 tỷ đồng, hoàn thành năm 2014, giá vé 47.000-200.000 đồng đối với ôtô.

Cầu Bến Thủy II nối xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nằm cách cầu Bến Thủy I khoảng 800 m về phía thượng lưu.

Cầu dài 996 m (tính cả đường dẫn hai đầu là hơn 3.600 m), rộng 25 m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc khoảng 80 km/h, tổng đầu tư gần 1.260 tỷ đồng trích từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Công trình thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép và bêtông dự ứng lực, thi công bằng công nghệ đúc hẫng và khoan cọc nhồi.

Bến Thủy II khánh thành tháng 9/2012, được đánh giá là "trợ thủ" cho cầu Bến Thủy I đang trên đà xuống cấp sau 20 năm đưa vào sử dụng. Dự án giúp giảm bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua cầu I, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ quốc gia.

Thuộc cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, cầu Hưng Đức tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, có đoạn chính bắc qua sông Lam, nối liền bờ bắc ở xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và bờ nam xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Công trình khởi công tháng 5/2022, tổng chiều dài gần 4,1 km với 90 nhịp, trong đó có 76 nhịp Super-T và 14 nhịp đúc hẫng. Mặt cầu rộng 17,5 m với 4 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đây là cầu vượt sông dài nhất toàn cao tốc Bắc Nam.

Cầu Hưng Đức ngoài phần chính bắc qua sông thì hai đường dẫn đầu cầu đi qua các cánh đồng, khu dân cư. Cầu hợp long ngày 16/3, dự kiến hoàn thành trong tháng 6.

Cầu là một trong những hạng mục quan trọng nhất của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án khi đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An).

Cách Bến Thủy II 15 km về phía tây là cầu Yên Xuân nối xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên với xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Dự án có vốn đầu tư 730 tỷ đồng, khánh thành năm 2016.

Cầu này bắc qua sông Lam và những cánh đồng, được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép, tổng chiều dài 3,6 km, trong đó phần cầu gần 1,9 km và đường dẫn hai đầu khoảng 1,4 km, bề rộng 9 m.

Công trình đi vào hoạt động giúp xóa bỏ tình trạng "ốc đảo" của 9 xã huyện Nam Đàn (Nghệ An) và 5 xã huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mỗi khi mưa lũ; giải quyết vấn đề mất an toàn và ùn tắc giao thông ở khu vực cầu đường sắt Yên Xuân hàng chục năm qua.

Hướng tuyến các cầu đường bộ bắc qua sông Lam. Đồ họa: Đăng Hiếu

Theo quy hoạch Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ xây cầu Bến Thủy III, điểm đầu tại xã Hưng Hòa, TP Vinh, điểm cuối ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).

Bến Thủy III nằm trong danh mục được ưu tiên đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, khi hoàn thành là cầu thứ 6 bắc qua sông Lam, tạo động lực liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ.

Theo vietnammoi.vn
https://vietnammoi.vn/nhung-cay-cau-bac-qua-song-lam-2024610105512596.htm
Copy Link
https://vietnammoi.vn/nhung-cay-cau-bac-qua-song-lam-2024610105512596.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cây cầu bắc qua sông Lam