Giáo dục

Những chiếc bằng khen vì nhường chỗ gây… tâm tư

08/05/2025 12:05

Việc Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng khen cho các sinh viên có hành động đẹp khi nhường chỗ cho các cựu chiến binh kéo theo những tâm tư, trăn trở.

Mới đây, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lễ trao tặng bằng khen cho 6 sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với hành động đẹp khi mời các cựu chiến binh trong vụ một số sinh viên có hành vi vô lễ cùng xem diễu binh trong dịp 30/4.

Trong bối cảnh này, hành động đẹp của các sinh viên như phần nào giải tỏa mâu thuẫn, giải quyết vấn đề cho sự cố không hay vào thời điểm đó. Hành động này càng trở nên xúc động, được chia sẻ, lan tỏa liên tục.

Nhưng việc trường đại học trao bằng khen cho nhóm sinh viên có hành động đẹp này lại kéo theo nhiều ý kiến phản đối cùng không ít tâm tư.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc người trẻ nhường chỗ cho người già là bài học trẻ được học từ mầm non, tiểu học. Trong bối cảnh lễ kỷ niệm 30/4, các cựu chiến binh là những người cần được kính trọng nên việc các sinh viên nhường chỗ cho các bác cựu chiến binh là hành động bình thường.

Hành động này nếu cần khen có thể khen ngợi bằng lời trong quy mô lớp học. Còn việc trao bằng khen vô tình thể hiện hành động nhường chỗ cho người lớn tuổi, một ứng xử văn hóa cơ bản trở thành của hiếm, trở thành... cá biệt.

Nhà văn Trần Nhã Thụy nêu quan điểm, việc các sinh viên có hành động đẹp trong sự việc là điều rất đáng khen ngợi. Nhưng việc khen ngợi, có chăng, chỉ nên là biểu dương trong lớp, trong trường. Còn trao bằng khen cho hành động này thì có vẻ như... đi quá xa.

Ông Thụy cũng xem qua quy chế khen thưởng của Đại học Quốc gia TPHCM thấy nội dung việc khen thưởng chủ yếu dành cho những sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, trong các kỳ thi, có công trình nghiên cứu… Trường hợp đặc biệt sẽ được xem xét và đề xuất khen thưởng.

Ông Thụy không nghĩ việc nhường chỗ cho các cựu chiến binh là một trường hợp đặc biệt. Ông cũng băn khoăn, nếu nhường chỗ cho các cựu chiến binh mà được trao bằng khen, vậy việc nhường chỗ cho người già, người khuyết tật trên xe buýt, nơi công cộng có được khen không?

"Lòng trắc ẩn và sự tử tế bao giờ cũng đáng trân quý. Chính các sinh viên khi nhường chỗ cũng không bao giờ nghĩ sẽ được nhận bằng khen. Cho nên, cái việc khen ấy, lợi bất cập hại là vậy", nhà văn này bày tỏ.

Bà Nguyễn Minh Hà, giảng viên một trường đại học ở TPHCM cho biết, bà cũng thấy ngạc nhiên khi sinh viên nhường chỗ cho cựu chiến binh lại được trường đại học trao bằng khen.

Với bà, hành động nhường chỗ cho người lớn tuổi là hành động đẹp, đáng khen nhưng cũng phải nhìn nhận đây là lẽ thường trong cuộc sống.

Xếp hàng, nhường chỗ cho người lớn tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em… là văn hóa ứng xử cơ bản mà mọi đứa trẻ được học hành, giáo dục đều biết rõ. Nhưng việc trao bằng khen với sự tự hào cho các sinh viên về hành động này lại biến hành động bình thường, văn hóa ứng xử cơ bản thành… khác thường.

Bà Hà cho hay, hành động này nếu khen chỉ nên khen trong quy mô lớp, khen bằng lời mang tính khích lệ hoặc có chăng trường có thể viết một lá thư cảm ơn, động viên các em.

Những chiếc bằng khen này cũng như nỗi trăn trở và cả đau đớn của cô Lê Ngọc Dung, một giáo viên về hưu ở TPHCM trước những lời khen ngợi, tung hô hành động học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ.

Cách đây vài năm, hình ảnh học trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cúi đầu chào bác bảo vệ trước cổng trường gây sốt cộng đồng mạng và liên tục được chia sẻ, ca ngợi.

Không phủ nhận đây là hình ảnh đẹp cần lan tỏa nhưng cô Dung cũng tâm tư khi cách hành xử lễ phép đó giữa học trò và một người lớn tuổi làm nhiệm vụ bảo vệ trường như trên là điều hiển nhiên, bình thường lại trở thành của hiếm, là "trường hợp đặc biệt" được ca tụng, tự hào.

Từ những lời ca tụng, những chiếc bằng khen cho hành động đẹp bình thường và hiển nhiên trong cuộc sống, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần xem lại giáo dục lễ nghĩa, đạo đức, văn hóa ứng xử. Giáo dục, ứng xử lễ nghĩa đang ở mức nào mà giờ đây những điều bình thường lại trở nên khác thường đến mức được trao bằng khen?

Như trăn trở của một nhà giáo, đây như một "cái tát" vào nền tảng giáo dục đạo đức xã hội. Nó khiến chuyện nên làm, phải làm của lớp trẻ trở thành đặc biệt, dễ làm cho chúng hiểu méo mó về những giá trị cần rèn dưỡng...

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-chiec-bang-khen-vi-nhuong-cho-gay-tam-tu-20250508092034800.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-chiec-bang-khen-vi-nhuong-cho-gay-tam-tu-20250508092034800.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những chiếc bằng khen vì nhường chỗ gây… tâm tư