Chính sách mới về tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non mà học sinh lớp 12 cần lưu ý. Ngoài ra, chính sách về xử phạt hành chính cũng đáng được quan tâm.
Thông tư số 06 năm 2025 của Bộ GD-ĐT quy định về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, có hiệu lực từ ngày 5/5. Đây là một trong những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5.
Theo đó, mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển, cách thức tính điểm xét và xác định điều kiện trúng tuyển.
Các tiêu chí chủ yếu dùng để đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Tổng điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích (gọi chung là điểm cộng) đối với thí sinh có thành tích đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (tối đa 3 điểm đối với thang điểm 30).
Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét, nhưng không thí sinh nào có điểm xét (tính cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.
Cũng theo Thông tư số 06 năm 2025, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác):
Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%. Từ năm 2026, số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét.
Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%.
Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.
Cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh kèm theo công bố thông tin tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của mình, và qua các hình thức thích hợp khác trước khi mở đăng ký dự tuyển của đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung (nếu có) trước ít nhất 15 ngày. Riêng đối với quy tắc quy đổi tương đương, thời gian công bố muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.
Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển thẳng cho những thí sinh đủ điều kiện, công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung. Hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Thí sinh đã trúng tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển thẳng thực hiện đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT để lựa chọn chương trình, ngành, nhóm ngành đã trúng tuyển thẳng tại một cơ sở đào tạo, hoặc đăng ký nguyện vọng xét tuyển khác.
Từ ngày 2/5, Nghị định 68 năm 2025 của Chính Phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực.
Đối với hành vi vi phạm hành chính có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, thì nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền bằng với giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái pháp luật.
Thời điểm xác định cá nhân, tổ chức tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trái quy định là khi lập xong biên bản làm việc, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, biên bản vi phạm hành chính theo quy định về xử lý vi phạm hành chính.
Cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm hành chính mà trước đó đã bị xử phạt, hoặc chưa bị xử phạt đối với hành vi được quy định ở các điểm trong cùng một khoản, hoặc các khoản trong cùng một điều với mức độ vi phạm hoặc hậu quả gắn với mức phạt khác nhau, thì được coi là vi phạm cùng một hành vi. Để từ đó xác định tái phạm, hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.
Nếu vi phạm hành chính nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng, và thuộc trường hợp trên thì áp dụng khung tiền phạt cao nhất, khung thời hạn đình chỉ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề dài nhất.
Nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:
Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó.
Nếu có 1 tình tiết giảm nhẹ, thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt. Trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt.
Nếu có 1 tình tiết tăng nặng, thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt. Trong trường hợp có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ.
Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.