Thường thì ba ngày mới có một chuyến xe, chuyến nào cũng đông như nêm cối. Kinh nghiệm của các tài già khi chạy hết đất Tuyên Quang là đóng cửa, không bắt khách. Đường sá quanh co chỉ có đèo, dốc, vực sâu, ổ gà, đá hộc và bùn lầy.
Chuyến nào xe cũng chở nặng tới oằn cả nhíp. Mỗi lần xe chạy đến ngã ba từ Bắc Quang (Hà Giang) rẽ vào Hoàng Su Phì, khách vây kín xe, tranh nhau trèo lên "xí" chỗ.
Người nào nhanh chân giành được một suất đu cửa hoặc ngồi nóc, người chậm chân hơn, không chen được đành hậm hực cuốc bộ.
Khoảng năm 1978, lúc này tuyến xe khách đã mở được vài năm, những tay "bắt xe" ma mãnh hơn không đợi ở ngã ba mà nấp dưới chân dốc Cổng trời 1. Xe đến đây phải về số thấp, khách nhảy xổ ra từ bên đường, bám vào cửa sổ, leo lên nóc mặc cho anh phụ xe ú ớ ngăn cản.
"Tranh chỗ thế thôi, chứ đoạn đường từ Hoàng Su Phì đi Xín Mần thì khách kéo xe nhiều hơn xe chở khách - Ông Lập cười - Dốc cao, đường trơn, xe không qua được, chúng tôi phải móc dây xích để khách kéo xe".
Cái "chuồng gà di động" phải ra khỏi bến Hoàng Su Phì lúc 6h sáng, thế nhưng gần như ngày nào tài xế cũng đánh xe đi từ đêm để... trốn khách. Xe ít mà người đón xe quá đông, nhà xe ưu tiên những người có vé đi đường dài, họ nằm lại trong xe hoặc ở trọ trong bến xe.
Nửa đêm nhà xe khua mọi người dậy, chạy xe ra tận Nậm Dịch, cách Hoàng Su Phì hơn chục cây số. Họ ngủ lại qua đêm để sáng sớm đi Xín Mần.
Tài xế kinh nghiệm trước khi xuất bến Hoàng Su Phì bao giờ cũng mang thêm mấy nắm xôi, gói cá mắm và ít gạo trên xe. Nếu thuận lợi khoảng hơn 10h trưa xe đến Xín Mần, 12h30 quay lại Hoàng Su Phì.
Cả chục năm chạy tuyến xe khách này, ông Lập chưa một lần dám ăn cơm ở Xín Mần. "Có mâm cao cỗ đầy thế nào cũng không dám ăn, xe phải về sớm vì sợ mưa làm trơn đường là nằm lại", ông giải thích.
Trong suốt thập niên 1980, nóc xe chủ yếu là công an và bộ đội. Những năm chiến tranh biên giới, xe khách chạy tuyến Hà Tuyên đã khó lại càng nguy hiểm hơn vì đạn pháo.
Tuyến đường từ Quảng Bạ qua Yên Minh thường khủng khiếp nhất vì đạn pháo Trung Quốc bắn qua đầu. Có chuyến xe đang ì ạch lên dốc, một quả đạn pháo réo qua đầu rồi nổ ầm ở vách đá bên kia vực. Xe chưa kịp dừng, khách đã chui qua cửa sổ, lao cả xuống rãnh.
Tài xế cùng công ty với ông Lập lái xe từ Đồng Văn về, qua Phố Cáo cán phải mìn Trung Quốc. Mìn nổ, xe bay mất một bên động cơ dẫn động cầu trước, một hành khách xấu số không qua khỏi. Tài xế Doanh một lần chở khách đến xã Na Khê (huyện Yên Minh) cũng bị nã pháo...
Gia đình ông Nguyễn Văn Lập có xe khách chạy tuyến liên tỉnh đầu tiên ở Tuyên Quang, Phú Thọ. Cha ông là Nguyễn Văn Phấn lái xe khách ở miền Bắc từ những năm 1930.
Gia đình ông có một chiếc xe khách hiệu Citroen. Khoảng nửa cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Phấn xin mở tuyến xe khách Phú Thọ - Tuyên Quang. Đây là tuyến xe liên tỉnh đầu tiên ở địa phương này.
Sau đó, xe của gia đình được trưng dụng vào Công ty vận tải thủy - bộ Tuyên Quang, theo hình thức công tư hợp doanh. Năm 1972, ông Lập được cử đi học và làm việc tại Công ty vận tải ô tô Tuyên Quang.
*****************
Lái xe Tây Bắc không sợ đèo, không sợ xóc, chỉ sợ suối. Cầu cống đã sập hết vì bom đạn, không ai đoán biết được bên dưới dòng nước là đá ngầm, hố sâu hay cơn lũ quét ập về bất cứ lúc nào.
>> Kỳ tới: Xe khách vượt lũ hiểm nguy ở Tây Bắc